Đổi thay Vinh Tiền

Nhiều năm trước đây, xã Vinh Tiền từng được xem là 'vùng trũng' của huyện Tân Sơn bởi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỉ lệ hộ đói nghèo của xã luôn ở mức cao, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu… Với chủ trương khai thác tốt những điều kiện sẵn có của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhờ đó diện mạo xã vùng cao đã có nhiều đổi mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Phát huy thế mạnh đồi rừng, nhiều hộ dân tronag xã tập trung phát triển sản xuất lâm nghiệp.
(baophutho.vn) - Nhiều năm trước đây, xã Vinh Tiền từng được xem là “vùng trũng” của huyện Tân Sơn bởi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỉ lệ hộ đói nghèo của xã luôn ở mức cao, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu… Với chủ trương khai thác tốt những điều kiện sẵn có của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhờ đó diện mạo xã vùng cao đã có nhiều đổi mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Những năm qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân phát triển kinh tế, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ người dân vay vốn, phát triển sản xuất. Cùng với đó, cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng, trường học được kiên cố hóa, đường giao thông được cứng hóa đảm bảo đi lại cho người dân, điện lưới quốc gia về đến từng thôn, bản đã tạo động lực giúp người dân phấn đấu thi đua lao động sản xuất.
Trên cơ sở phát huy thế mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã tích cực vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; cải tạo diện tích đất đồi trồng cây lâm nghiệp; đưa các loại cây, con giống mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thay thế những giống cũ, hiệu quả kinh tế thấp. Khuyến khích bà con nông dân tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương như: Trồng cây ăn quả có múi, phát triển kinh tế trang trại, gia trại; phát triển rừng gỗ lớn; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác... Ban đầu, nhiều gia đình còn tỏ ra e ngại, tuy nhiên sau khi thấy được hiệu quả từ các mô hình điểm, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư cây, con giống, mở rộng quy mô sản xuất.

Nhờ nguồn vốn vay ủy thác từ Hội Nông dân xã, Anh Triệu Văn Hoàn, khu Bương, xã Vinh Tiền có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập gia đình.
Cùng với tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, cấp ủy, chính quyền thường xuyên phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách nhằm tạo điều kiện giúp đỡ người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư trang bị máy móc hiện đại, mở rộng quy mô phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã theo hướng giảm tỉ lệ ngành nông nghiệp tăng tỉ lệ các ngành CN-TTCN và thương mại - dịch vụ, trong đó tập trung phát huy thế mạnh để phát triển chế biến nông, lâm nghiệp; dịch vụ ăn uống, vận tải; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng… Nhờ đó, tỉ lệ gia đình đói nghèo trên địa bàn xã đã giảm hẳn, đời sống người dân trong xã ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt trên 674 tấn, bình quân lương thực đạt 438,23kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,84 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn 22,44%...
Đồng chí Hà Phú Soái-Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp, ngành, sự đoàn kết, nỗ lực chính quyền và quyết tâm thoát nghèo của người dân trong xã, kinh tế địa phương đã có nhiều chuyển biến, diện mạo xã vùng cao dần đổi mới, đời sống bà con trên địa bàn xã được cải thiện. Người dân trong xã không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế, dần thay đổi những tập quán canh tác cũ, những phong tục cổ hủ, lạc hậu, nâng cao nhận thức xây dựng nếp sống mới. Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phấn đấu tiếp tục giảm từ 3-5% số hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, xã sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế, từng bước phát triển thương mại, dịch vụ… tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân; khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất cây trồng vật nuôi; đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; huy động mọi nguồn lực và phát huy tốt vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo… Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư cùng với tranh thủ mọi sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế, xây dựng NTM…

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202203/doi-thay-vinh-tien-183055