Đối thoại 2024: DATC 'gắn kết để phát triển'

Ngày 22/7, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tổ chức Chương trình đối thoại 2024 'Gắn kết để phát triển' với chủ đề Văn hóa doanh nghiệp. Chương trình được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trụ sở DATC tại Hà Nội và trực tuyến đến hai điểm cầu Tp. Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh.

 Ông Phạm Mạnh Thường - Tổng giám đốc DATC phát biểu.

Ông Phạm Mạnh Thường - Tổng giám đốc DATC phát biểu.

Phát biểu tại Chương trình, Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thường, đây là năm thứ 3 DATC tổ chức Chương trình Đối thoại. Chủ đề “Gắn kết để phát triển” của Chương trình Đối thoại 2024 là thông điệp, ý chí, tình cảm, mong muốn của toàn thể Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và người lao động Công ty, không chỉ trong năm 2024 mà trong suốt hành trình thực hiện sứ mệnh “bà đỡ” cho doanh nghiệp của DATC.

“Năm 2024, DATC bước vào hành trình mới, mở rộng phạm vi, đối tượng để bắt nhịp với thị trường mua bán nợ đang ngày càng phát triển, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau, gắn kết chính là động lực, sức mạnh để DATC thực hiện nhiệm vụ được giao và phát triển bền vững” - Tổng giám đốc DATC chia sẻ.

Theo Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường, "Đối thoại" là chương trình thường niên, mỗi năm mang một chủ đề phù hợp với tình hình kinh tế, bối cảnh, tình huống cụ thể. Việc tổ chức Chương trình Đối thoại hàng năm cũng chính là cách thức để thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đồng thời thay đổi hình thức văn hóa doanh nghiệp đặc thù, là cách thức thực hiện quy chế dân chủ cấp cơ sở, là sự sáng tạo, thay đổi hình thức học tập, thảo luận, mang lại hiệu quả cao.

Chia sẻ về thông điệp “gắn kết để phát triển”, Phó Tổng giám đốc Phạm Quang Hiền cho hay, gắn kết trong nội bộ doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và thành công của doanh nghiệp. Gắn kết là khi chúng ta cảm thấy mỗi người có vai trò và đóng góp quan trọng trong tổ chức.

“Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay với những thách thức và cơ hội đang không ngừng biến đổi sự gắn kết trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ và sự đổi mới đang định hình lại cách chúng ta làm việc và sự tương tác của chúng ta. Chính sự gắn kết tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp chúng ta đối mặt thách thức, nắm bắt cơ hội lớn” – ông Phạm Quang Hiền nhận định.

Khẳng định tầm quan trọng của sự gắn kết trong doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Phạm Quang Hiền nhấn mạnh, thứ nhất, gắn kết tạo sức mạnh tổng hợp. Bởi nếu làm việc riêng lẻ khả năng nguồn lực của mỗi người đều có giới hạn nhưng khi gắn kết, kết hợp giữa sức mạnh của từng cá nhân có thể tạo ra sức mạnh vượt trội. Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, sức mạnh tổng hợp này chính là lợi thế cạnh tranh quan trọng của doanh nghiệp.

Thứ hai, gắn kết thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới. Chỉ khi các cá nhân cùng nhau chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo, những ý tưởng mới, những cách tiếp cận đột phá thường xuyên xuất hiện. Mỗi người đều có những kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm riêng khi gắn kết sẽ tạo ra kho tàng trí tuệ tập thể, từ đó nảy sinh giải pháp sáng tạo để giải quyết công việc chung của doanh nghiệp.

Thứ ba, gắn kết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách. Trong quá trình phát triển doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn thử thách, đó có thể là những biến động hoặc sự cạnh tranh gay gắt của thị trường hay những thay đổi trong cơ chế, chính sách, khi gắn kết, chúng ta có thể chia sẻ gánh nặng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những thời điểm khó khăn.

Thứ tư, gắn kết tạo ra môi trường làm việc tích cực. Khi các thành viên trong tổ chức được gắn kết họ sẽ cảm thấy được trân trọng và có động lực làm việc hơn. Điều này không chỉ nâng cao hiệu suất làm việc mà còn giúp giữ chân, thu hút nhân tài làm việc tại doanh nghiệp.

Thứ năm, gắn kết giúp mỗi cá nhân học hỏi nhanh hơn. Trong một tổ chức, khi có sự gắn kết, kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ tự nhiên, hiệu quả, cá nhân có thể học hỏi thành công, thất bại của nhau, từ đó rút ra bài học quý giá, cùng nhau tiến bộ.

Thu Hà

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/doi-thoai-2024-datc-gan-ket-de-phat-trien-d50464.html