'Đối thoại 2045': Vượt qua tư duy nhiệm kỳ để đảm bảo tính liên tục

Chiều 6/3, Thủ tướng sẽ gặp mặt 50 đại biểu doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu với chủ đề 'Đối thoại 2045'.

Theo chương trình vào chiều nay, 6/3, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc gặp mặt với khoảng 50 đại biểu đại diện doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045” nhằm thể hiện quyết tâm chung sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra.

Kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, đây là một trong nhiều chương trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp, trí thức. Cách đây gần 5 năm, ngày 29/4/2016, chỉ sau ít ngày nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, cũng tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với khoảng 300 doanh nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp khắp cả nước qua các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đây được coi là “hội nghị Diên Hồng” đối với doanh nghiệp để người đứng đầu Chính phủ truyền đi thông điệp “Chính phủ mở đường cho đoàn quân tiên phong về kinh tế”. Chỉ sau đó ít ngày, Chính phủ lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp - Nghị quyết 35.

Xử lý một việc cá biệt để tạo sự lan tỏa lớn, trước hội nghị đối thoại lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý vụ việc ở quán cà phê "Xin chào" với thông điệp là các bộ, ngành và địa phương phải quan tâm đến những việc sát sườn nhất với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp chứ không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều đó đã nhận được hiệu ứng tích cực đầu tiên trong cộng đồng doanh nghiệp.

Suốt 5 năm qua, Thủ tướng thường xuyên dành thời gian đối thoại với doanh nghiệp, trí thức, không chỉ trong các cuộc đối thoại chính thức mà cả các hội nghị xúc tiến đầu tư. Và cho đến nay, phương châm Chính phủ hành động, kiến tạo đã được lan tỏa, đã giảm bớt tình trạng trên nóng, dưới lạnh; hay trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh.

Ngay tại cuộc đối thoại năm 2017, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng ngay một chỉ thị của Thủ tướng về việc không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng và Chỉ thị này được ký ngay sau cuộc đối thoại, thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm của Thủ tướng trong việc phục vụ doanh nghiệp.

Không để tình trạng “bắn chỉ thiên lên trời”, hay “vỗ tay hội nghị”, sau các cuộc đối thoại đều là những chỉ đạo, Chỉ thị, chương trình hành động của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Như cam kết của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ về việc chỉ đạo các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, đã có 3.893 trong tổng số 6.191, tức hơn 63% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Tương tự, 6.776/9.926, tương đương 68% dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.500 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Các việc cắt giảm đó đã giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng. Và quan trọng hơn cả, điều đó mang lại niềm tin của doanh nghiệp, người dân và xã hội với Chính phủ, với Đảng, Nhà nước ta.

Đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đã cướp đi nhiều cơ hội của doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Động viên doanh nghiệp, người dân rằng “Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”, trong rất nhiều các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng đều chỉ đạo các bộ, ngành phải thấu sự mất mát của người dân và doanh nghiệp để tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ mới kịp thời hơn.

Cuộc đối thoại diễn ra này đã vào thời gian cuối của nhiệm kỳ Chính phủ khóa này. Tuy nhiên tinh thần của người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo là các thành viên Chính phủ làm việc, cống hiến hết mình đến giờ phút cuối cùng trên cương vị và nhiệm vụ được giao, trách nhiệm trong xử lý những công việc thuộc thẩm để đảm bảo tính liên tục trong phục vụ doanh nghiệp, người dân và đất nước. Điều đó tiếp tục khẳng định chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ, đó là phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ. Chỉ có tính liên tục mới đảm bảo đi đến thành công trong thực hiện các mục tiêu lớn lao 2045 của đất nước./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/doi-thoai-2045-vuot-qua-tu-duy-nhiem-ky-de-dam-bao-tinh-lien-tuc-841363.vov