Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam-Pháp lần thứ 8
Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp, ngày 17/5, tại thủ đô Paris, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Bộ trưởng Ngoại thương, Thu hút nước ngoài, Pháp ngữ và người Pháp ở nước ngoài Franck Riester đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam-Pháp.
Đây là kỳ họp đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch Covid – 19, là thành quả của nhiều cuộc gặp gỡ, điện đàm trong năm 2023 giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, được diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp tiếp tục có những bước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực như chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, thương mại đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học,… với nhiều dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước.
Phát biểu khai mạc đối thoại, Bộ trưởng Franck Riester bày tỏ mong muốn hợp tác kinh tế được tăng cường hơn nữa, để tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp Pháp-Việt Nam. Ông Riester khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, giúp giải quyết những vấn đề chung, trong bối cảnh hai nước cùng có mối quan tâm và đối mặt với những thách thức của tiến trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số.
Theo Bộ trưởng Franck Riester, Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt-Pháp 2024 nhằm cụ thể hóa những nội dung được thống nhất trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2023. Trên tinh thần đó, Pháp sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trong đổi mới kinh tế, chống biến đổi khí hậu...
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp, đánh giá cao những bước phát triển quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Pháp thời gian qua, dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức.
Tại kỳ họp lần này, hai bên nhận định, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đạt được nhiều tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực, hai bên trao đổi thẳng thắn về chiến lược, chính sách kinh tế liên quan, những vấn đề quan hệ đa phương, song phương.
“Qua kỳ họp lần thứ 8 này, chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận cao về các lĩnh vực trọng tâm trong thời gian tới. Hai phía sẽ cùng hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ cũng như tiến độ các hoạt động. Liên quan đến vấn đề hạ tầng, hai bên đã xác định các lĩnh vực ưu tiên, cụ thể là hạ tầng lớn và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các lĩnh vực gắn liền với tăng trưởng tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Phía bạn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Hai bên cũng đã xác định phương hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới bao gồm ứng phó với Biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp bán dẫn. Phía Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới đáp ứng các ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Đồng chủ trì đối thoại, bà Magali Cesana, Vụ trưởng các vấn đề song phương và quốc tế hóa các doanh nghiệp Pháp (Tổng cục Kho bạc, Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và kỹ thuật số) đánh giá, cuộc đối thoại lần này diễn ra với nội dung đa dạng và phong phú: “Đối thoại lần này đề cập đến nhiều nội dung hợp tác song phương đang triển khai như giao thông, năng lượng… Đồng thời, hai bên cũng thảo luận về các lĩnh vực mới như công nghệ số, công nghệ điện tử cũng như các lĩnh vực mà hai bên cùng có thế mạnh như nông nghiệp”.
Trước đó, ngày 16/5, Đoàn Việt Nam đã có buổi họp thường niên với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Tại cuộc gặp, hai bên thống nhất sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại Việt Nam để các dự án của AFD sớm được triển khai và đẩy nhanh thủ tục nhận diện các dự án mới được hai bên lựa chọn thời gian qua.