Đối thoại chính sách: Giải pháp hoàn thiện công tác bảo vệ thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm
Tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số nơi, thủ đoạn vi phạm tinh vi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng liên tục đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, bắt nguồn và diễn ra trong suốt nhiều thế hệ vẫn còn hiện diện. Vậy thực trạng của vấn đề là gì, đâu là điểm mấu chốt cần giải quyết?
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam được xem là nước trung chuyển và tiêu thụ lớn động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới. Tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm về buôn bán ĐVHD nói riêng vẫn là một trong những vấn đề nóng hiện nay.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của hình thức tội phạm này, từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống các vi phạm liên quan đến ĐVHD. Năm 1994, Việt Nam ký kết và trở thành thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (CITES). Nhiều công cụ pháp lý cũng liên tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa cam kết Công ước CITES và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD. Việt Nam đã có những bước tiến trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD, nổi bật là gia tăng đáng kể khung hình phạt. Các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng kiểm lâm nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD. Sau khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực, trong giai đoạn 2018-2019, số lượng các vụ buôn lậu ĐVHD bị bắt đã tăng 44%. Bên cạnh đó, mức án tù giam trung bình đối với tội phạm về ĐVHD trong năm 2017 là 15 tháng, tăng lên 4 năm 6 tháng trong đầu năm 2020. Việt Nam cũng đã kết án các ông trùm buôn bán ĐVHD với các mức án nặng .
Thời gian qua, các cấp, các ngành và các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước cũng đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ ĐVHD đến các nhóm đối tượng người sử dụng và đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Qua đó, giúp mỗi cá nhân trong xã hội dù ở vai trò nào cũng có nhận thức đúng đắn về bảo vệ ĐVHD, nói không với các hành vi buôn bán, tiêu thụ, săn bắt, khai thác, nuôi nhốt trái pháp luật ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.
Tuy nhiên, tội phạm về ĐVHD vẫn diễn biến phức tạp khiến công tác phòng, chống nhóm tội phạm này tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và có thể nói chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Vậy đâu là giải pháp cốt lõi cho thực trạng này?
Trong chương trình hôm nay, chúng tôi mời đến trường quay các vị khách mời, xin trân trọng giới thiệu:
- Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
- Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
- Ông Tejpal Singh, Giám đốc khu vực Châu Á, Tổ chức TRAFFIC
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!