Đối thoại chính sách về 'Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện'
Sáng ngày 6/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Đối thoại chính sách về 'Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện'. Sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tổ chức.
Hội thảo Đối thoại chính sách về “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện”, với sự góp mặt của đại diện Bộ GD&ĐT, các đơn vị, tổ chức đoàn thể và cơ quan quản lý giáo dục các địa phương cùng thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh các cấp trên toàn quốc.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để học sinh Việt Nam được trao đổi và đàm thoại với các nhà quản lý giáo dục một cách trực tiếp và thẳng thắn về các vấn đề liên quan tới giới tính và tình dục đáng quan tâm trong học đường. Hội thảo diễn ra ngày 6/04/2022 tại Khách sạn Daewoo, 360 Kim Mã, Hà Nội dưới hình thức cả trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học GD Việt Nam và bà Simone Vis, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF Việt Nam cùng chia sẻ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đối thoại chính sách về “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện”. Cần phải để các em nói lên tiếng nói của mình, các thầy cô lắng nghe để cùng tạo nên sự đổi thay. Các em có quyền tiếp cận sớm, ngay từ nhỏ cần được cung cấp kiến thức về sức khỏe, giới tính để đáp ứng sự phát triển. Diễn đàn là nơi chia sẻ góc nhìn của các học sinh và giáo viên, phụ huynh về giáo dục giới tính để sao cho thiết thực và hiệu quả hơn.
Hội thảo được chia thành 3 phiên chính.
Phiên 1, Giáo dục giới tính tình dục toàn diện trong một thế giới kết nối – Chính sách và thực tiễn. Với phần trao đổi và thảo luận của các diễn giả Bà Dương Thị Như Quỳnh, Phó Hiệu trưởng THPT Sông Mã, Sơn La; Dương Thị Thúy Nga, ĐHSP Hà Nội; Bùi Thanh Xuân, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về những vấn đề đặt ra trong thực tế các nhà trường.
Tại phiên 2 với tiêu đề: Giáo dục giới tính tình dục toàn diện tại Việt Nam - góc nhìn từ thanh thiếu niên. Là những ý kiến đóng góp từ góc nhìn của những thanh thiếu niên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam để tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất khi phổ biến kiến thức giới tính và tình dục cho cộng đồng trẻ. Đây là những ý kiến thực tế từ các thầy cô giáo, học sinh các cấp học tiều học, THCS và THPT đến từ các trường học ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đắk Lắk và Học viện Báo chí tuyên truyền.
Phiên 3. Giáo dục giới tính tình dục toàn diện trong Chương trình Giáo dục Mầm non và Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, đã tập trung vào phân tích chương trình giáo dục giới tính tình dục hiện tại cho cấp bậc Mầm Non và GDPT 2018, từ đó đưa ra sự đánh giá phù hợp và khách quan để chỉnh sửa triển khai cho những năm sắp tới. Nhóm chuyên gia Viện KHGD Việt Nam đã đưa ra phân tích về tình hình giáo dục giới tính và tình dục trong môi trường giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Tại phiên này, có thảo luận của học sinh Quảng Bình, Vĩnh Phúc và đại diện Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội
Hà An