Đối thoại Chủ nhật: Bảo vệ tính mạng của người dân là vô cùng quan trọng

Thời gian gần đây, mưa lớn bất thường gây lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất tại các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, làm thiệt hại về người (3 người chết), hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn héc-ta lúa, thủy sản bị thiệt hại...

Hiện nay đang là mùa mưa lũ với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Nhiều năm qua, hệ thống đê điều ở các tỉnh, thành phố miền Bắc ít chịu tác động bởi mưa lũ lớn, vậy đây có phải là thách thức đối với hệ thống đê điều của chúng ta trong mùa mưa bão năm nay, thưa đồng chí?

 Đồng chí Phạm Đức Luận. Ảnh: NGHINH XUÂN

Đồng chí Phạm Đức Luận. Ảnh: NGHINH XUÂN

Đồng chí Phạm Đức Luận: Đúng vậy, đây là thách thức rất lớn. Trong hơn 20 năm qua, từ năm 2002, hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình chưa có lũ lớn nên dễ khiến người dân cùng các cấp chính quyền một số địa phương nảy sinh tâm lý chủ quan. Khi lũ lớn về có thể khiến chúng ta trở tay không kịp. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm bãi sông, lòng sông tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đê điều. Các cống dưới đê phần lớn được xây dựng từ 70, 80 năm, thậm chí hàng trăm năm trước, không có lũ, không qua thử thách. Đây là vấn đề lớn và chúng tôi nhận thức rất rõ. Chúng tôi đã đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát hệ thống đánh giá đê điều, cống dưới đê trước mỗi mùa mưa bão để có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống lũ.

Tuy nhiên, hệ thống đê lâu năm không qua thử thách cũng khó có thể đánh giá chính xác sẽ bảo đảm an toàn 100%. Thủy điện thường muốn tích nước để phát điện, phát triển kinh tế; khi có lũ lớn, phải xả nước để bảo vệ công trình thì bị cản trở thoát lũ dưới hạ lưu do tình trạng lấn chiếm lòng sông, bãi sông. Nếu chúng ta không làm nghiêm thì nguy cơ hệ thống đê điều bị vỡ là rất cao.

PV: Rõ ràng yêu cầu về thoát lũ ở Đồng bằng sông Hồng, bảo vệ Thủ đô Hà Nội là đặc biệt quan trọng. Với chức năng làm công tác tham mưu, đồng chí có chịu áp lực giữa vấn đề bảo đảm hành lang thoát lũ và yêu cầu phát triển kinh tế?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Đối với công việc này, sức ép là cực kỳ lớn. Hiện nay, ở các nước trên thế giới, công tác PCTT theo xu hướng “hành động không hối tiếc”-nghĩa là chúng ta có những hành động để bảo đảm việc PCTT đạt hiệu quả cao nhất, tốt nhất để không phải hối tiếc. Vì vậy, lòng sông, bãi sông, mặt sông cần thông thoáng, hạn chế sử dụng vào mục đích khác để tạo không gian cho thoát lũ. Một số nước như Trung Quốc, Hà Lan đã thực hiện di dân từ bãi sông vào phía trong đê để bảo đảm an toàn.

Đồng bằng sông Hồng với khoảng 21-23 triệu dân hiện được các tuyến đê này bảo vệ. Vỡ một chỗ có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương, xảy ra vỡ đê thì nguy cơ gây thảm họa. Do đó, việc bảo vệ tính mạng của người dân là vô cùng quan trọng.

PV: Được biết, Cục Quản lý đê điều và PCTT đã biên soạn, chuẩn bị khá đầy đủ bộ tài liệu về phòng, chống, ứng phó thiên tai. Vậy thời gian tới, Cục có tính đến việc đưa nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCTT vào trường học hay không, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Hiện Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này. Chúng tôi đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCTT thông qua các cuộc thi như “Rung chuông vàng”, giúp học sinh nhận biết, tiếp cận các loại hình thiên tai thường xảy ra ở địa phương mình như dông, lốc, sét, mưa lũ để chủ động phòng tránh; đồng thời, tăng cường phối hợp với địa phương trong việc mở các lớp bơi lội, nhằm hạn chế nguy cơ đuối nước cho học sinh và người dân.

Đường Dương Đình Nghệ, TP Hà Nội thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn. Ảnh: NGỌC HÀ

Đường Dương Đình Nghệ, TP Hà Nội thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn. Ảnh: NGỌC HÀ

PV: Được biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT đã có quy định về việc lồng ghép PCTT vào các quy hoạch về phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Ý kiến của đồng chí như thế nào đối với vấn đề này?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Đúng là trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT có quy định các địa phương phải lồng ghép PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta làm chưa tốt. Ví dụ, khi phát triển đô thị phải tính tới xây dựng hệ thống tiêu thoát nước, nhưng tại nhiều đô thị ở nước ta hiện nay, gần như cứ có mưa to là lại ngập lụt, gây ảnh hưởng tới giao thông, đời sống của người dân, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế. Thủ đô Hà Nội trước đây có rất nhiều hồ, có tác dụng điều hòa, giảm ngập lụt. Nhưng vì những hồ này bị lấp dần để xây dựng chung cư nên ngập lụt mỗi khi mưa to là chuyện bình thường.

Ở Việt Nam bây giờ, ngập lụt không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng trũng mà còn thường xuyên xảy ra ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có địa hình cao, như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Đây là vấn đề quan trọng, cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quan. Quy hoạch đô thị phải bảo đảm an toàn trước thiên tai, trong đó có chống ngập lụt. Khu đô thị ven biển phải bảo đảm phòng, chống bão, triều cường. Vì vậy, thời gian tới, việc lồng ghép này phải được các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc mới có thể giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-bao-ve-tinh-mang-cua-nguoi-dan-la-vo-cung-quan-trong-782259