Đối thoại Chủ nhật: Hiện đại hóa công nghệ trong công tác dự báo khí tượng thủy văn
Trong những năm qua, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) Việt Nam đã liên tục đổi mới và hiện đại hóa công nghệ nhằm phục vụ công tác dự báo KTTV, chỉ đạo phòng, chống thiên tai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn GS, TS Trần Hồng Thái, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề trên.
Phóng viên (PV): Những năm qua, việc đổi mới, hiện đại hóa công nghệ của ngành KTTV đã đạt được những kết quả gì, thưa đồng chí?
GS, TS Trần Hồng Thái: Được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2010-2023, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV.
Cụ thể, ngành KTTV đã xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số chuẩn hóa lượng mưa (SPI) phục vụ giám sát hạn hán, hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc. Triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão.
Thu thập đồng bộ, thống nhất toàn bộ các hệ thống dự báo tất định và tổ hợp từ các trung tâm toàn cầu (Mỹ, Nhật, châu Âu) phục vụ dự báo khí tượng cho Việt Nam. Ứng dụng và khai thác các sản phẩm dự báo thời tiết số làm tiền đề cho việc thiết lập, phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu KTTV toàn ngành, các công cụ hỗ trợ dự báo khí tượng và dự báo bão trong giai đoạn tới...
Nhờ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại nên chất lượng dự báo KTTV thời gian qua ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn 2010-2023, ngành KTTV đã theo dõi và dự báo sát, kịp thời 336 đợt không khí lạnh, 60 áp thấp nhiệt đới, 114 cơn bão, 150 trận lũ, 223 đợt nắng nóng diện rộng, 317 đợt mưa lớn diện rộng. Đặc biệt, năm 2018, công tác dự báo hiệu quả đã góp phần giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017, tương ứng với 40.000 tỷ đồng (nguồn từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
PV: Mới đây, Tổng cục Khí tượng Thủy văn vừa cho ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ. Đồng chí có thể nói rõ hơn về công dụng của hệ thống này?
GS, TS Trần Hồng Thái: Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ là một trong những hệ thống tích hợp được nhiều loại số liệu từ hệ thống quan trắc và hoàn toàn tự động, được xây dựng nhằm cung cấp sớm thông tin hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, mưa lớn nhằm phục vụ việc cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm có tác động tới cộng đồng.
Từ hệ thống hỗ trợ cảnh báo dông sét, mưa lũ, mọi diễn biến về tình hình thời tiết trên tất cả các khu vực lãnh thổ nước ta đều được theo dõi, giám sát liên tục thông qua những bức ảnh thu nhận từ các vệ tinh quan trắc trái đất, radar thời tiết trong nước, mạng lưới đo mưa và mạng lưới định vị sét trên toàn quốc.
Dự báo viên hay các cơ quan chức năng có thể nhận biết được quá trình hình thành, phát triển và di chuyển của những đám mây đối lưu có khả năng gây mưa dông cho các khu vực. Từ hình ảnh phân tích, chúng ta sẽ thấy được khu vực nào đang xuất hiện nhiều sét, thời gian xảy ra sét, phân loại sét và phân bố mật độ như thế nào; khu vực nào đang có mưa lớn, lượng mưa cực đại là bao nhiêu và diễn biến mưa sắp tới như thế nào.
Ngoài ra, hệ thống này cũng theo dõi, kiểm soát chất lượng dữ liệu của tất cả trạm đo mưa và khí tượng tự động trên toàn mạng lưới. Các dữ liệu quan trắc nhiệt độ và lượng mưa sẽ được so sánh, đánh giá với dữ liệu từ mô hình GSM của Nhật Bản nhằm cung cấp các thông tin đánh giá ban đầu cho đội ngũ dự báo viên làm bản tin dự báo, cảnh báo sớm.
PV: Về công tác nghiên cứu khoa học của ngành KTTV thời gian qua đã có những bước tiến như thế nào, thưa đồng chí?
GS, TS Trần Hồng Thái: Trong suốt 78 năm xây dựng, phát triển, công tác nghiên cứu khoa học của ngành KTTV luôn phát triển mạnh mẽ, với tổng số hơn 500 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp ngành đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành KTTV và đời sống xã hội.
Trong giai đoạn 2010-2023, công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ của ngành KTTV tập trung theo các chương trình khoa học-công nghệ cấp quốc gia với hơn 170 đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước được triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc KTTV, giám sát biến đổi khí hậu.
PV: Thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ của ngành KTTV sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
GS, TS Trần Hồng Thái: Thời gian tới, ngành KTTV tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ trong công tác KTTV phục vụ phát triển bền vững; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các hoạt động quan trắc, thông tin, dự báo, cảnh báo KTTV. Ngành cũng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV, đặc biệt với các quốc gia phát triển; ưu tiên các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phục vụ quan trắc, đo đạc, chia sẻ thông tin, dữ liệu KTTV trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, ngành KTTV sẽ tăng cường trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, kinh nghiệm với các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực, trình độ, vị thế cho ngành KTTV Việt Nam; triển khai xây dựng kế hoạch cử chuyên gia, đại diện của Việt Nam tham gia các cơ quan, diễn đàn điều hành của Tổ chức Khí tượng thế giới và các tổ chức quốc tế khác về KTTV.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
LA DUY (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.