Đối thoại để cải thiện quan hệ lao động
Biết lắng nghe và thường xuyên đối thoại với người lao động sẽ giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động
Cách đây một tuần, hàng trăm công nhân (CN) tại một doanh nghiệp (DN) may mặc ở TP HCM đã ngừng việc nhiều ngày do ban giám đốc nợ lương và BHXH kéo dài. Bức xúc của tập thể CN là điều dễ hiểu khi quyền lợi bị xâm phạm, song một cán bộ quản lý tại công ty lại xem đây là vấn đề hết sức bình thường. "Công ty chậm trả 20% lương, tính ra mỗi người chỉ bị nợ từ 1,5-2 triệu đồng. Số tiền không nhiều và đây không phải là lần đầu DN chậm trả lương, vậy mà CN lại đồng loạt ngừng việc. Điều này khiến chúng tôi rất bất ngờ" - vị này cho biết. Lập luận của vị quản lý nói trên khiến các cơ quan chức năng và tập thể CN hết sức bất bình.
Giọt nước làm tràn ly
Theo dõi tình hình quan hệ lao động tại DN này, đại diện các cơ quan chức năng khẳng định việc xảy ra tranh chấp lao động tập thể là điều tất yếu, bởi những bức xúc âm ỉ lâu ngày của tập thể CN chưa được giải tỏa và nợ lương chỉ là "giọt nước làm tràn ly".
Trao đổi với chúng tôi, nhiều CN cho biết những lần chậm trả lương, công ty đều nại lý do gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thế nhưng, ban giám đốc chưa bao giờ nói rõ khó khăn như thế nào để họ hiểu và thông cảm. Thực tế, đơn hàng công ty rất dồi dào và CN phải thường xuyên tăng ca để bảo đảm tiến độ. Ngoài việc chậm trả lương, tập thể CN còn bức xúc về nhiều vấn đề khác như: nợ BHXH, phép năm, đặc biệt là việc trừ lương vô tội vạ cũng như cách hành xử quá quắt của một bộ phận cán bộ quản lý… Công ty chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 nhưng giữa ban giám đốc và tập thể lao động không có cuộc đối thoại nào để giải tỏa các vướng mắc trong quan hệ lao động. "Khi có bức xúc, chúng tôi rất muốn gặp trực tiếp giám đốc nhưng luôn bị người quản lý ngăn cản. Do vậy, việc giải quyết bức xúc chỉ dừng lại ở mức ghi nhận mà không hề có cuộc đối thoại nào. Cách hành xử này chỉ khiến bức xúc bị dồn nén và chờ thời điểm bùng phát" - nhiều CN phản ánh.
Một nữ CN cho biết rất nhiều trường hợp nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động và thai sản đã không được lãnh đạo quan tâm giải quyết. Dù đã cố gắng tìm gặp những người có trách nhiệm, kể cả giám đốc, họ vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Không chỉ đùn đẩy trách nhiệm, một số cán bộ quản lý còn có hành vi "dằn mặt" CN khi xé đơn xin nghỉ việc hoặc thách thức CN đi kiện. Quyền lợi bị xâm phạm trong một thời gian dài, thêm cách hành xử thiếu trách nhiệm của DN càng khiến tập thể CN bức xúc và tranh chấp xảy ra là tất yếu.
Hiểu nhau hơn qua đối thoại
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong xu thế hội nhập, việc chủ động chia sẻ thông tin và thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ nhằm giải quyết rốt ráo các vướng mắc trong quan hệ lao động là cách giúp DN ổn định hệ lao động.
Thực tế này đã được khẳng định ở nhiều DN có mối quan hệ lao động hài hòa tại TP HCM, điển hình như Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM). Hướng đến mục tiêu triệt tiêu mầm mống tranh chấp, từ năm 2012, ngoài việc thiết lập "đường dây nóng", ban giám đốc còn tổ chức đối thoại thường xuyên để CN góp ý các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm và thu nhập. Nhờ đó, công ty dễ dàng nắm bắt, giải quyết hiệu quả các bức xúc của người lao động (NLĐ). Qua hệ thống thông tin nội bộ, công ty cũng chủ động chuyển tải những thông tin về tình hình DN, đặc biệt là chế độ chính sách đến với NLĐ, từ đó giúp họ hiểu hơn về đơn vị cũng như nắm chính xác quyền lợi và nghĩa vụ của mình nhằm có thái độ ứng xử phù hợp. Bên cạnh đó, để giảm thiểu những va chạm không đáng có giữa đội ngũ quản lý và NLĐ, công ty còn chú trọng đào tạo kỹ năng cho đội ngũ này. Những giải pháp đồng bộ và căn cơ này đã giúp quan hệ lao động tại DN luôn ổn định.
Tương tự, nhờ thực hiện tốt quy chế đối thoại tại nơi làm việc mà Công ty CP Kềm Nghĩa (quận Tân Bình, TP HCM) luôn nhận được sự sẻ chia của tập thể lao động. Ông Nguyễn Quang Tuyên, giám đốc nhân sự công ty, cho biết 2020 là năm DN gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Giai đoạn giữa năm, do đơn hàng giảm, CN chỉ còn làm việc 3 ngày/tuần nên thu nhập giảm sút. Lường trước tình trạng này kéo dài sẽ không chỉ khiến DN mà đời sống CN cũng gặp khó khăn, ban giám đốc quyết định tổ chức hội nghị NLĐ. Tại hội nghị, ngoài công khai tình hình khó khăn của DN, công ty cũng đưa ra các phương án cắt giảm lao động nhằm giảm thiểu chi phí. Ở mỗi phương án, ban giám đốc nêu rõ cách thức giải quyết quyền lợi để CN tự đưa ra lựa chọn hoặc tiếp tục gắn bó hay ra đi. "Nếu CN đồng ý nghỉ việc, công ty hỗ trợ họ 1 tháng lương và ưu tiên tuyển dụng lại khi hoạt động sản xuất được khôi phục. Việc minh bạch giải quyết quyền lợi cho CN nghỉ việc đã hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại không đáng có" - ông Tuyên chia sẻ.
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM:
Đôi bên cùng có lợi
Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với NLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi. Đây là quy định được đúc kết từ thực tiễn suốt thời gian dài. Do vậy, việc đối thoại với NLĐ vừa là nghĩa vụ vừa là giải pháp hữu hiệu giúp DN giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động một cách căn cơ, giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể, góp phần hạn chế thiệt hại cho DN và NLĐ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/doi-thoai-de-cai-thien-quan-he-lao-dong-20210308204314094.htm