Đối thoại giữa đại học và doanh nghiệp về nguồn nhân lực công nghệ cao

Ngày 27/8, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức tọa đàm 'Đối thoại giữa đại học và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao'.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tọa đàm.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, một trong những thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đó chính là nguồn nhân lực.

Cụ thể, nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là hệ thống đại học với 8 trường đại học, một viện nghiên cứu thành viên, có quy mô đào tạo lớn nhất cả nước với khoảng 100.000 sinh viên đại học, sau đại học.

Là cơ sở giáo dục đại học có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, có số lượng công bố quốc tế đứng đầu cả nước, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu của châu Á, nơi hội tụ của nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định hợp tác với doanh nghiệp là đòn bẩy để cải tiến chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, là điểm tựa để các nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tiễn.

Về đào tạo, chiến lược xác định sẽ đào tạo được: 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư. Đào tạo 10.000 kỹ sư, cử nhân, 3.200 thạc sĩ và 600 tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học và một số nhóm ngành liên quan. Đào tạo 20.000 cử nhân, kỹ sư 2.000 thạc sĩ, 300 tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định 3 mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu cho các ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, và trí tuệ nhân tạo (AI).

Về nghiên cứu, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 xác định sẽ làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nền trong các lĩnh vực về công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, và trí tuệ nhân tạo; hình thành một số doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp trong các lĩnh vực này.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Samsung, Intel, Synopsys, Kaopiz, Realtech… đã trình bày về thực trạng nguồn nhân lực công nghệ cao, các giải pháp nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, các chính sách hỗ trợ thực tập, học bổng cho sinh viên.

Các doanh nghiệp cho rằng, sự hợp tác với các trường đại học để xây dựng phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp là rất cần thiết.

Đặc biệt, các trường đại học cần tạo ra nguồn nhân lực mới cho tương lai, đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Các trường đại học cần kết hợp với doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cả về kiến thức lý thuyết và kiến thức thực tế. Đồng thời, cũng cần cập nhật chương trình giảng dạy ngành công nghiệp mới nổi, những ngành công nghiệp “lõi”, mũi nhọn cho các lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Andrea Coppola, Trưởng bộ phận kinh tế, Giám đốc Chương trình vì thịnh vượng Việt Nam, Lào và Campuchia, Ngân hàng Thế giới (World Bank) phát biểu tại tọa đàm.

Ông Andrea Coppola, Trưởng bộ phận kinh tế, Giám đốc Chương trình vì thịnh vượng Việt Nam, Lào và Campuchia, Ngân hàng Thế giới (World Bank) phát biểu tại tọa đàm.

Cho rằng nguồn nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu các tập đoàn công nghệ lớn, ông Andrea Coppola, Trưởng bộ phận kinh tế, Giám đốc Chương trình vì thịnh vượng Việt Nam, Lào và Campuchia, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhấn mạnh đến các ưu tiên và nguyên tắc phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao.

Theo đó, Việt Nam cần xây dựng nguồn cung mạnh các nhà khoa học và kỹ sư trình độ cao, cải thiện đào tạo cho các kỹ thuật viên tay nghề cao.

Cùng với đó, áp dụng phương pháp đào tạo tập trung vào kỹ năng, cần tạo ra các chương trình nâng cao kỹ năng đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp với chương trình đạt chuẩn, bao gồm các chỉ số hiệu quả rõ ràng…

Tọa đàm “Đối thoại giữa đại học và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao” nhằm mục đích để doanh nghiệp và trường đại học gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về vấn đề nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Đây cũng là dịp để các trường đại học được lắng nghe những đánh giá, phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng và mức độ đáp ứng của nguồn nhân lực được đào tạo so với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Đồng thời, lắng nghe xu hướng tuyển dụng và các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp trong tương lai gần; làm cơ sở để các trường đại học cải tiến, mở mới các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-thoai-giua-dai-hoc-va-doanh-nghiep-ve-nguon-nhan-luc-cong-nghe-cao-post827039.html