Đối thoại giữa gốm truyền thống và hiện đại
Ngày 5/1, tại Phòng Nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội) diễn ra triển lãm 'Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại'.
Đây là triển lãm đầu tiên, quy mô chuyên về một làng gốm, có vựng tập giới thiệu chi tiết từng tác giả. 9 nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia bày gần 100 tác phẩm gốm và gốm điêu khắc trên chất liệu gốm thủ công, như một nỗ lực góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề.
Theo Ban tổ chức, làng gốm Hương Canh (xã Tam Canh, Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) là vùng gốm cổ lâu đời. Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại, làm cho truyền thống sống được trong đời sống hiện đại được coi là cách bảo tồn bền vững, trên nền truyền thống là tinh thần vẻ đẹp hiện đại. Bảo tồn bằng thẩm mỹ hiện đại để truyền thống ấy mới hơn và di sản ấy hiện đại hơn.
9 nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia triển lãm, gồm: Nhà điêu khắc Lê Ngọc Hân (giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), họa sĩ - nhà điêu khắc Nguyễn Lưu, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Ngọc Ly, họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang, cùng các nghệ nhân của làng nghề là Nguyễn Giang Anh, Nguyễn Thị Hằng.
Đặc biệt, khách mời của triển lãm có sự góp mặt của nghệ nhân Giang Thị Nhạn, 73 tuổi. Bà là thợ chuốt gốm và là người trong tổ mặt hàng mới của hợp tác xã gốm Tam Đồng.
Khi xóa bỏ bao cấp, bà cùng chồng con mở lại lò gốm truyền thống tại gia đình vào năm 1994 với mặt hàng chủ yếu: Chum, vại, tiểu sành… Trong mấy chục năm, bà đã có công truyền nghề cho nhiều thế hệ về cách chuốt gốm và tạo hình trên gốm.
Là một làng gốm cổ có tiếng, Hương Canh luôn cho ra lò những mẻ gốm chất lượng. Bởi vậy dân gian mới có câu “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết: “Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng”.
Hiện nay, tại đền thờ tổ nghề ở giữa làng vẫn còn bảo lưu đôi câu đối – là bằng chứng xác thực chứng minh Hương Canh là làng gốm cổ: Mậu kỷ huân đào bằng thánh tổ/Quý nhân tài hóa lại tiên sư.
Tương truyền, tổ nghề gốm Hương Canh là quan Nội hầu Trịnh Xuân Bền thời Lê - Trịnh. Hơn 300 năm trước, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình phái Trịnh Xuân Bền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phần phiêu bạt, phần hồi cư không kế sinh nhai, quan Nội hầu vốn giỏi gốm mới dạy cho dân nghề cang chĩnh.
Suốt một thời kỳ dài, gốm Hương Canh được chọn là vật cúng tiến triều đình. Trấn Sơn Tây xưa chỉ có Hương Canh là phồn thịnh với gốm. Cũng từ đó, người xưa mới dạy, chọn sứ thì ra Móng Cái, mua gốm thì về Hương Canh. Suốt 3 thế kỷ, gốm Hương Canh có mặt khắp các thôn làng với những hũ tương, vại cà…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-thoai-giua-gom-truyen-thong-va-hien-dai-post667438.html