Đối thoại Shangri-La hứa hẹn hấp dẫn
Thu hút chú ý nhiều nhất là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân
Bắt đầu ngày 31-5 và kéo dài tới hết ngày 2-6, Đối thoại Shangri-La năm nay tại Singapore dự kiến là nơi gặp gỡ giữa giới lãnh đạo các nước, các bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh quân đội, chuyên gia an ninh… từ khoảng 40 quốc gia trên thế giới.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ thường niên được tổ chức ở Singapore từ năm 2002. Đứng ra tổ chức là Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), một tổ chức của Anh chuyên về an ninh và quốc phòng - vốn là các vấn đề vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, với hai cuộc xung đột kéo dài và khốc liệt giữa Nga - Ukraine (ở châu Âu) và giữa Israel - Hamas (ở Dải Gaza và có nguy cơ lan rộng toàn Trung Đông).
Thu hút chú ý nhiều nhất tại hội nghị năm nay là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh tập trận bao vây đảo Đài Loan (Trung Quốc) trong tuần này và Triều Tiên có dấu hiệu sắp phóng thêm vệ tinh do thám quân sự.
Ngoài ra, theo thông cáo ngày 24-5 của Lầu Năm Góc, ông Austin còn dự kiến phát biểu ở phiên toàn thể, tham gia cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á và dự cuộc họp 3 bên với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Chuyến công du thứ 10 đến Ấn Độ - Thái Bình Dương của Bộ trưởng Austin thể hiện sự củng cố quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác nhằm ủng hộ một tầm nhìn khu vực hòa bình, ổn định" - thông cáo nêu rõ.
Một vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc có thể được đưa ra tại Đối thoại Shangri-La năm nay là tranh chấp trên biển Đông giữa nước này và Philippines.
Theo Hãng thông tấn Philippines, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Aileen Mendiola-Rau hôm 24-5 cho biết Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. có khả năng đề cập tranh chấp này trong bài phát biểu chủ đạo của diễn đàn.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông đang leo thang, từ những tranh cãi ngoại giao đến chạm trán trên biển giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc và hải quân Philippines. "Thông qua Đối thoại Shangri-La, Philippines sẽ có cơ hội cung cấp các bên liên quan một nguồn thông tin chính xác, khách quan" - bà Mendiola-Rau nói.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục phá băng trong lĩnh vực quân sự khi hai bộ trưởng quốc phòng Shin Won-sik và Kihara Minoru đã lên lịch gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La lần này - theo đài truyền hình Nhật Bản NHK.
Liên lạc giữa quân đội hai nước bị đình trệ sau vụ việc Nhật Bản cáo buộc một tàu khu trục Hàn Quốc khóa radar hỏa lực nhằm vào một máy bay tuần tra của Tokyo trên biển Nhật Bản (hoặc Đông Hải theo cách gọi của Hàn Quốc) hồi năm 2018. Hàn Quốc bác bỏ cáo buộc này.
Từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên nắm quyền vào năm 2022, quan hệ giữa hai cường quốc Đông Á từ chỗ thấp nhất kể từ năm 1965 (thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ) được cải thiện nhanh chóng.
Bộ trưởng quốc phòng hai bên từ năm ngoái đã tăng cường đối thoại, ngoài bàn về các giải pháp nhằm ngăn ngừa sự việc như năm 2018 còn có các vấn đề khác như nối lại tập trận chung và trao đổi quân sự để tăng cường hợp tác an ninh song phương, bao gồm cùng đối phó Triều Tiên - theo hãng tin Yonhap.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doi-thoai-shangri-la-hua-hen-hap-dan-196240525202406391.htm