Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Sáng 2.3, tại TP Hải Dương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp với chủ đề 'Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu' khu vực các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
Chủ trì hội nghị là các ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Dự hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố kết nối kinh tế hành lang cao tốc phía đông và đại diện hơn 100 doanh nghiệp (DN) ở 4 tỉnh, thành phố; các tổ chức quốc tế.
Hải Dương cam kết tháo gỡ mọi khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định việc xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển xuất nhập khẩu (XNK) được phê duyệt thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc đổi mới công tác quản lý nhà nước về thương mại, phần nào đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua đó phát triển thương mại và các hoạt động XNK trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh chú trọng bổ sung quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại tạo điều kiện phát triển các kênh lưu thông hàng hóa của tỉnh kết nối bền vững với chuỗi cung ứng hàng hóa như: hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, kho trung chuyển, dịch vụ logictis, cảng thủy nội địa… Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã tạo động lực thúc đẩy cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi mở rộng tiếp cận thị trường cho hàng hóa XNK.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương ước đạt 10.514 triệu USD (chiếm tỷ lệ khoảng 2,8% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), tăng 6,6%; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.655 triệu USD (chiếm tỷ lệ khoảng 2,4% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Hải Dương là tỉnh đứng thứ 7 trong 10 tỉnh, thành phố có xuất siêu lớn nhất trong toàn quốc.
Cơ cấu một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: sản phẩm dệt may chiếm 36,9%; nhóm sản phẩm cơ khí, chế tạo chiếm 18,8%; nhóm sản phẩm điện - điện tử chiếm 13,6%... Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu, chiếm 42%. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới thị trường Mỹ năm 2022 tăng 29%. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới thị trường EU và các thị trường khác cũng có xu hướng tăng (thị trường EU tăng từ 12% năm 2011 lên 22% năm 2022).
Hải Dương cùng các tỉnh, thành phố trong trục kết nối (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên) là khu vực tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, chiếm tỷ trọng XNK cao trong cả nước. Đồng chí Trần Văn Quân khẳng định, hội nghị này đã tạo dựng một cơ chế hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, tăng cường tiếng nói của DN trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách thuận lợi cho thương mại qua biên giới. Hải Dương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN XNK hàng hóa. “Trường hợp có những khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ tập trung tháo gỡ ngay”, đồng chí Trần Văn Quân cam kết.
Nhận diện khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định hoạt động XNK đã được Đảng và Nhà nước xác định đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính vì vậy trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục XNK, gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN. Mặc dù đã đạt được những thành công và được cộng đồng DN ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy DN vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động XNK. “Buổi đối thoại được tổ chức nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính về XNK; kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn và thực hiện thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nói.
Tại hội nghị, đại diện các DN, Hiệp hội DN đã nêu nhiều vướng mắc như: khoảng 38 % DN vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, lo ngại vì quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi, 59 % DN gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành…
Các ý kiến của DN, đại diện Hiệp hội DN các tỉnh, thành phố tham gia tại hội nghị đều khẳng định, để có được sự phát triển trong thương mại nói chung, XNK hàng hóa nói riêng, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN, tăng cường liên kết vùng, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các hoạt động thương mại qua biên giới cho DN. DN kiến nghị hải quan và các cơ quan liên quan đến giải quyết thủ tục XNK cần kết nối, chia sẻ dữ liệu chung về lịch sử kiểm tra hàng hóa của DN để giảm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ DN hiệu quả hơn với các thủ tục xác định mã HS (mã số của hàng hóa XNK); xây dựng cơ chế giám sát kỷ cương hành chính, công vụ và minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, có các cơ chế hiệu quả để DN kiến nghị và khiếu nại hành vi sách nhiễu, gây phiền hà. Tiếp tục cải thiện hoạt động của Cổng thông tin một cửa quốc gia…
Đại diện Tổng cục Hải quan, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cũng đã giải đáp một số vướng mắc của DN, hiệp hội DN nêu như hướng tháo gỡ để nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, tăng cường tính liên thông giữa các bộ, ngành, đẩy mạnh chuyển đổi số về mặt chứng từ, thủ tục, hồ sơ nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục thông quan hàng hóa XNK; đầu tư hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch, chú ý các tuyến đường chuyên dùng, bổ sung thêm cảng cạn để tăng tính kết nối và giảm chi phí cho DN…