Đối thoại Thư pháp và Graffiti: Tại sao không?

Những ngày này khách tham quan đổ về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội đông hơn để đón xem một triển lãm có một không hai mang tên 'Đối thoại Thư pháp và Graffiti' (do Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức). Liệu 2 bộ môn nghệ thuật có quá nhiều điều khác biệt này sẽ đối thoại với nhau như thế nào?

Sự chuyển mình sáng tạo

Theo chân Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi được “mục sở thị” 39 tác phẩm của cả hai loại hình sáng tác thư pháp và Graffiti với nội dung xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy - trò; học tập, rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước...

Các nghệ sĩ thể hiện tác phẩm ngay tại triển lãm.

Các nghệ sĩ thể hiện tác phẩm ngay tại triển lãm.

Quan sát thì thấy các tác phẩm này đều chú tâm đến bố cục, đường nét, tạo hình giàu sức khơi gợi, liên tưởng và điều quan trọng là đều mang trong mình sứ mệnh truyền tải những thông điệp hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Đến với triển lãm, tôi không chỉ bắt gặp những người lớn tuổi mà còn bắt gặp những người trẻ. Nếu như người lớn tuổi đến với triển lãm vì yêu thích thư pháp thì người trẻ đến với triển lãm vì yêu thích Graffiti và vô hình trung triển lãm đã gắn kết hai thế hệ già - trẻ với nhau.

Xưa nay thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết, là thú chơi tao nhã của những người giỏi về ngôn ngữ và đam mê văn chương còn Graffiti là bộ môn nghệ thuật thường gợi lên trong tâm trí nhiều người hình ảnh những người trẻ “nổi loạn”, khao khát được thể hiện và khẳng định mình. Nghe qua thì thấy chúng có quá nhiều khác biệt trong thẩm mỹ, ngôn ngữ và chất liệu thể hiện nhưng theo cách giải thích của Tiến sĩ Kiêu thì chúng hoàn toàn có thể đối thoại được với nhau như “hai con người khác nhau chưa từng gặp nhau đã gặp nhau, đối thoại, giao lưu, đồng cảm, tạo nên sự thăng hoa của các nghệ sĩ để sáng tạo nên những tác phẩm hấp dẫn, thú vị”.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu thì thư pháp là hình ảnh rất quen thuộc tại Văn Miếu nhưng ít người nghĩ về sự xuất hiện của Graffiti tại không gian di tích này. Bởi vậy, triển lãm kết hợp Graffiti với thư pháp tổ chức tại Văn Miếu là điều thú vị chưa từng có. Đây là sự chuyển mình của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với mục tiêu trở thành một không gian sáng tạo, trưng bày nghệ thuật và truyền cảm hứng đối với công chúng. Triển lãm mở ra những khả năng tương tác, học hỏi một cách sáng tạo và không giới hạn giữa những người thực hành thư pháp và Graffiti, một cuộc đối thoại thành công trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng.

“Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều di tích, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng thì đây chính là “thời cơ vàng” để chúng tôi “kéo” công chúng về với di tích. Tất nhiên muốn công chúng đến thì mình tạo ra cái mới mẻ, sáng tạo và mang được hơi thở của cuộc sống đương đại”, Tiến sĩ Kiêu nhấn mạnh.

Thay đổi nhận thức

Triển lãm là sự gặp gỡ của những gương mặt trẻ, quen thuộc, chủ yếu thuộc thế hệ 9X, đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp chữ quốc ngữ và Graffiti, đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Với thư pháp chữ quốc ngữ, có sự tham gia của nhà hoạt động thư pháp Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng, Võ Tuấn Xuân Thành, Nguyễn Hữu Pháp còn với Graffiti có sự tham gia của nghệ sĩ Đỗ Thế Thành, Nguyễn Tấn Lực, Trang Nhơn Khoa, Lưu Đoàn Duy Linh. Họ được đánh giá đều là những nghệ sĩ tâm huyết, trách nhiệm, sẵn sàng đối thoại, sẵn sàng tiếp thu cái mới để hướng tới giá trị nghệ thuật chân chính.

Trên 10 năm gắn bó với Graffiti, nghệ sĩ Đỗ Thế Thành cho biết, cộng đồng Graffiti Việt Nam hiện nay không chỉ gắn với văn hóa đường phố mà ngày càng tích cực tham gia hoạt động giao lưu với các ngành nghệ thuật khác. Thực hành đối thoại ngay tại buổi khai mạc triển lãm, Đỗ Thế Thành cầm bút lông để vẽ Graffiti, còn nhà thư pháp Nguyễn Thanh Tùng cũng cố gắng đặt nét chữ của mình bên cạnh những hình khối và bố cục lạ lẫm.

Không chỉ đối thoại, các nghệ sĩ còn “bắt tay” đồng hành để hai bộ môn đối lập được hòa hợp vào nhau. Đặc biệt sự gặp gỡ này đã làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của các nghệ sĩ. Như chia sẻ của Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng sau quá trình quan sát Graffiti đã khẳng định, thư pháp cũng cần học hỏi nhịp điệu từ âm nhạc, tạo thế từ nghệ thuật bonsai hoặc nghiên cứu cả hội họa để ngày càng hoàn thiện hơn.

Nhiều khách tham quan đến với triển lãm.

Nhiều khách tham quan đến với triển lãm.

Sinh năm 1999, đến từ TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Võ Tuấn Xuân Thành cảm thấy vô cùng thú vị khi tham gia triển lãm lần này. Anh cho biết, trong triển lãm lần này anh đưa ra 4 thông điệp trong tác phẩm của mình. Điều thứ nhất anh mong muốn sẽ là bước đệm để các bạn trẻ thấy được sự hội nhập của nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật truyền thống. Điều thứ hai anh muốn các bạn trẻ bước vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội - trường đại học đầu tiên của Việt Nam - thì sẽ nhận được từ đó câu châm ngôn, lời dạy dỗ của cha ông và truyền thống đạo đức về Nho học, tức là ngoài chiêm ngưỡng về mặt hình thức người xem còn được chiêm ngưỡng về mặt nội dung.

Điều thứ ba anh muốn đưa thư pháp Việt đến gần hơn với bạn trẻ thông qua Graffiti, tức là thông qua một cầu nối để các bạn sẽ thấy sự tương đồng và thấy 2 nền nghệ thuật giao thoa rất đặc biệt. Điều cuối cùng anh mong muốn kết hợp giữa các phong cách nghệ thuật với nhau. Thư pháp và Graffiti có nhiều trường phái khác nhau. Với triển lãm của các tác giả đến từ 3 miền chứng tỏ nghệ thuật thư pháp không dừng lại ở thước đo nào đó mà vượt qua tầm suy nghĩ của một nghệ sĩ, đó là sự đa dạng trong phong cách viết.

Mở ra bước sáng tạo mới

Đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố khi Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng như nhằm huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ. Trong đó, sự sáng tạo trên nền tảng của di sản đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng. Các di tích lịch sử văn hóa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa là trung tâm hoạt động văn hóa, giáo dục, là điểm đến tham quan và có thể trở thành không gian sáng tạo thu hút đông đảo các bạn trẻ đến tham gia các hoạt động sáng tạo. Triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” chính là dự án thử nghiệm đầu tiên mang đầy sự thú vị, hấp dẫn với khán giả.

Nhưng điều tiếp theo sẽ là gì? Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu khẳng định, triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” sẽ tạo đà cho hàng loạt dự án tiếp theo được tổ chức Văn Miếu – Quốc Tử Giám theo hướng sáng tạo, trong đó sẽ kết hợp giữa các loại hình sáng tác để tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật.

Cụ thể, trong tháng 10 tới, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tổ chức triển lãm “Bia đá kể chuyện” với mong muốn biến những thông tin khó nhớ trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên dễ nhớ và gần gũi với khách tham quan. Rồi tiếp theo là trưng bày về lịch sử hình thành Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những thông tin cung cấp một cách hệ thống và tương đối đầy đủ về Trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hằng tháng tổ chức được một hoạt động văn hóa để kết nối những người hoạt động sáng tạo, trong đó chú trọng đến yếu tố công nghệ và sự sáng tạo để tạo nên “luồng gió mới” cho di tích đặc biệt này”, Tiến sĩ Kiêu nhấn mạnh.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doi-thoai-thu-phap-va-graffiti-tai-sao-khong--i667612/