Đối thoại trước khi cưỡng chế giải phóng mặt bằng di tích đền Bà Kiệu

Đại diện Ban quản lý di tích- danh thắng (Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội) cho biết, khu vực I là khu vực bảo vệ nguyên trạng, do vậy việc xây dựng các công trình ở trong khu vực I phải được phép của cấp có thẩm quyền.

Chiều 21/8, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị đối thoại với tổ chức và các hộ dân nằm trong mốc giới thu hồi đất thực hiện giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu.

Khu vực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tại Đền Bà Kiệu.

Khu vực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tại Đền Bà Kiệu.

Di tích đền Bà Kiệu tọa lạc tại vị trí số 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Đền được xây dựng vào thế kỷ 17, là một di tích đạo Mẫu quý giá. Đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng và công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994 hiện do Sở Văn hóa và Thế thao quản lý theo phân cấp của Thành phố Hà Nội. Đây là dự án đầu tư công thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa- lịch sử của di tích.

Tại hội nghị đối thoại, bà Vũ Bích Hiền, Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ cho biết, thực hiện chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà đất thu hồi đất đề thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu. UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư (BTHTTĐ) đối với 7 hộ dân và 1 tổ chức.

Tại đây có 7 hộ gia đình và 1 cá nhân phải giải phóng mặt bằng.

Tại đây có 7 hộ gia đình và 1 cá nhân phải giải phóng mặt bằng.

Các hộ dân và tổ chức đã có đơn kiến nghị, khiếu nại các cơ quan và đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm các cơ quan chuyên môn trả lời bằng văn bản các nội dung kiến nghị là không có cơ sở để xem xét giải quyết.

Ngày 14/8/2024, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành các Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất với 7 hộ dân và 1 tổ chức nằm trong mốc giới dự án. Thời gian thực hiện từ ngày 14/8/2024 đến ngày 30/9/2024. Các quyết định cưỡng chế đã được gửi tới các hộ dân và tổ chức. Đồng thời tuyên truyền vận động các hộ dân chấp hành bàn giao. Tuy nhiên, đến nay 7 hộ dân đang sinh sống và kinh doanh và 1 tổ chức là Công ty cổ phần Mỹ thuật và vật phẩm văn hóa Hà Nội không thống nhất phương án BTHTTĐC chưa chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Thực hiện quy định của pháp luật, Ban cưỡng chế (UBND quận Hoàn Kiếm) tổ chức cuộc đối thoại với các hộ dân và tổ chức để một lần nữa trả lời các kiến nghị đồng thời vận động các chủ sử dụng đất chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng trước ngày tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Ông Bùi Anh Tuấn (địa chỉ 59 Đinh Tiên Hoàng) bày tỏ mong muốn được cấp đất ngoài thành để sinh sống.

Ông Bùi Anh Tuấn (địa chỉ 59 Đinh Tiên Hoàng) bày tỏ mong muốn được cấp đất ngoài thành để sinh sống.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, đại diện Công ty cổ phần Mỹ thuật và vật phẩm văn hóa Hà Nội (tổ chức bị thu hồi đất) khẳng định, ngay từ khi biết có chủ trương thu hồi đất trả cho di tích đền Bà Kiệu quan điểm của công ty là ủng hộ chủ trương của thành phố và quận trả đất cho di tích. Tuy nhiên, đề nghị Ban bồi thường hỗ trợ quận Hoàn Kiếm lưu ý bồi thường hỗ trợ phía công ty.

Ban cưỡng chế trao đổi trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến dự án.

Ban cưỡng chế trao đổi trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến dự án.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá ngoài các nội dung đã trả lời tại buổi đối thoại hôm nay có thêm các nội dung việc các hộ dân có đơn gửi Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội có đơn thụ lý… và một số nội dung liên quan đến dự án, quận Hoàn Kiếm đã giao đại diện Ban cưỡng chế và Sở Văn hóa- Thể thao trả lời.

Thông tin về nội dung liên quan dự án, ông Tùng cho biết đây di tích quốc gia do vậy triển khai dự án đầu tư tuân thủ quy trình, quy định đối với di tích cấp quốc gia; Phương án giải phóng mặt bằng cải tạo hạ tầng kỹ thuật cũng đã được Bộ VH-TT và Du lịch có ý kiến. “Dự án sau khi hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định chúng tôi cũng sẽ triển khai việc công khai dự án với hình ảnh phối cảnh, các thông tin cơ bản như ý kiến người dân nêu. Mục tiêu dự án là giải phóng mặt bằng khôi phục trả lại khuôn viên tường rào di tích và lát đá kỹ thuật sân của di tích sau khi giải phóng mặt bằng chứ không phải phần vỉa hè. Sau khi hoàn thành dự án sẽ bàn giao lại cho Sở VH-TT Hà Nội tiếp nhận trình thành phố để có một dự án tổng thể có đầy đủ.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau cuộc họp đối thoại này dự án tiếp tục triển khai theo đúng quy trình quy định. Những nội dung đề xuất kiện nghị phù hợp của đại diện các hộ gia đình sẽ được ghi nhận, tiếp thu tập hợp báo cáo UBND thành phố Hà Nội trả lời. Đề nghị Ban quản lý dự án tham mưu UBND quận triển khai các bước tiếp theo theo quy định ban hành thông báo cưỡng chế đến các hộ dân.

Về chính sách tái định cư Dự án được UBND thành phố Hà Nội bố trí 17 căn hộ tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Trường hợp các hộ dân không có nhu cầu nhận nhà tái định cư thì được nhận tự lo tái định cư 6,8 triệu đồng/m2 căn hộ được bố trí.

Ngày 1/7/2024, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện dự án. Theo đó, giá đất làm cơ sở BTHT về đất cụ thể như sau:

Vị trí 1 phố Đinh Tiên Hoàng: 419.778.054 đồng/m2

Vị trí 1 phố Hàng Dầu: 352.463.657 đồng/m2

Vị trí 1 phố Lò Sũ: 279.578.638 đồng/m2

Vị trí 4 phố Đinh Tiên Hoàng: 127.841.454 đồng/m2

Đ. Hưng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/doi-thoai-truoc-khi-cuong-che-giai-phong-mat-bang-di-tich-den-ba-kieu-post1115994.vov