Đối thoại và trải nghiệm viết thơ với học trò

Đối thoại với học trò về tác phẩm của mình là một trải nghiệm hữu ích cho cả tác giả và người đọc là học trò.

Tác giả giới thiệu nét văn hóa của người Việt Nam với học trò Trường Gheorghe Sincai Tanitokepzo. Ảnh: Bálint Márk

Tác giả giới thiệu nét văn hóa của người Việt Nam với học trò Trường Gheorghe Sincai Tanitokepzo. Ảnh: Bálint Márk

Nhiều năm qua, cô giáo Kovács Tunde đã cần mẫn kết nối với liên hoan thơ tại Zalau (thuộc hạt Sălaj, Romania) để các em học sinh có thể tiếp xúc trực tiếp với các tác giả nổi tiếng, đối thoại và trải nghiệm viết thơ, dịch thơ cùng các tác giả.

Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, yêu thích đọc các tác phẩm văn học, tôi chỉ dám ngưỡng mộ các tác giả viết lên những tác phẩm đó, mà chưa từng mơ mình có thể gặp trực tiếp tác giả ngay tại trường mình học, hay trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.

Suốt cả thời đi học, tôi từng đọc nhiều tác phẩm văn học, nhưng chưa có lần tình cờ nào được gặp tác giả. Thậm chí, khi trở thành sinh viên đại học, được ra Thủ đô học tập, tôi từng đến cổng tòa soạn Báo Văn nghệ, đứng đó ngắm nhìn thật lâu, chỉ mong được thấy nhà văn, nhà thơ từ “ngôi đền thiêng” ấy bước ra. Nhưng bữa đó tôi cũng không may mắn, nên chưa thể gặp gỡ...

Cho đến khi trở thành tác giả văn học, đã xuất bản tới hơn 20 đầu sách cả ở trong và ngoài nước, nhưng chính tôi cũng vì bù đầu làm việc mà lại quên đi nỗi ước muốn không thành của mình thuở bé.

Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc mình cần tới các trường đại học, trung học phổ thông… để gặp gỡ trực tiếp học trò, sinh viên, lứa bạn đọc tương lai và rất tiềm năng; đọc tác phẩm cho họ nghe, cảm nhận, đối thoại với họ… Hóa ra, chính tôi đã bỏ qua cơ hội đáng quý này, và cũng là bỏ qua một trách nhiệm của nhà văn với độc giả, nhất là lứa học trò trên ghế nhà trường.

Cô giáo Kovács Tunde.

Cô giáo Kovács Tunde.

Vừa qua, tôi được mời sang Romania tham dự Liên hoan thơ Zalau với chủ đề “Mùa Xuân thơ ca”. Tại đây, lần đầu tiên tôi trải nghiệm việc tiếp xúc với độc giả của mình ở một đất nước khác.

Những độc giả rất trẻ - học sinh từ lớp 9 - 12 do cô giáo Kovács Tunde tập hợp. Tôi ngạc nhiên xiết bao khi chưa từng thấy buổi khai mạc nào hoành tráng như tôi hình dung trong một kịch bản quen thuộc của các liên hoan thơ quốc tế như sự kiện này.

Ngay trong ngày đầu tiên, nhóm 5 nhà thơ, trong đó có Sándor Halmosi, Zalán Tibor (Hungary), Molnár Andrea (Romania), Glorjana Veber (Slovenia) và tôi từ Việt Nam được dẫn tới một lớp học tại Trường Trung học Gheorghe Sincai Tanitokepzo. Trong số 7 bài thơ tôi gửi tới liên hoan thì bài “Collapse of Humanity” (Sự sụp đổ của nhân tính) được dịch sang tiếng Romania và Hungary, chọn in trong hợp tuyển thơ của các tác giả khách mời tham dự sự kiện.

Bài thơ “Sự sụp đổ của nhân tính” cũng đã được chuyển tới các học trò Trường Trung học Gheorghe Sincai Tanitokepzo đọc trước cả tháng trời để các em đọc hiểu, từ đó sáng tạo trên ý nghĩa cảm nhận về thơ, bằng tranh, nhạc, tác phẩm nghệ thuật thị giác sáng tạo bằng công nghệ.

Các em còn trao đổi về ý nghĩa và cùng nhau nói lên cảm nhận về bài thơ, sau đó chọn một từ tiếng Việt miêu tả cảm giác và cùng học cách phát âm từ đó. Cụm từ tiếng Việt mà học sinh lớp 10 do cô giáo Kovács Tunde chủ nhiệm đã chọn để đồng thanh nói to với tôi - tác giả bài thơ trong buổi giao lưu tại lớp học - là “Thật sự đau!”.

Poster giới thiệu 5 tác giả đến giao lưu tại Trường Gheorghe Sincai Tanitokepzo.

Poster giới thiệu 5 tác giả đến giao lưu tại Trường Gheorghe Sincai Tanitokepzo.

Tôi đã đi từ sự ngạc nhiên đến cảm giác hào hứng khi cùng các em dịch một bài thơ của tác giả Romania, sau đó cùng sáng tác bài thơ mới. Tôi viết một dòng thơ, sau đó đại diện nhóm học sinh sẽ viết tiếp và cứ thế cùng hoàn thành bài thơ trong 5 phút.

Thật áp lực nhưng không kém phần vui thích. Cuối cùng, nhóm chúng tôi trình diễn bài thơ với mọi người. Tôi cũng được các em tặng bức tranh vẽ hai cô gái mặc trang phục truyền thống của Romania và Việt Nam.

Cô giáo Kovács Tunde còn khéo tận dụng sự việc các nhà thơ quốc tế có mặt tại trường bằng cách chia đôi nhóm vào khoảng giữa buổi giao lưu. Cô nói rằng sẽ dành cho tôi và nhà thơ nữ người Slovenia – chị Glorjana Viber một bất ngờ.

Cô giới thiệu với chúng tôi một nam sinh cao ráo, đẹp trai nhưng có nụ cười hơi bẽn lẽn. Nam sinh này có nhiệm vụ hướng dẫn chúng tôi đến lớp học khác để giao lưu với học sinh và giáo viên lớp đó. Khi trở về, chúng tôi sẽ chia sẻ cảm xúc của mình về giao lưu ngắn ấy.

Chúng tôi đi theo cậu học trò, trong lòng tự hỏi, việc gì sẽ xảy đến: Sẽ đọc thơ, hay sẽ gặp điều bất ngờ nào nữa? Chúng tôi được dẫn vào một lớp học khá rộng và ngồi đối diện với khoảng hơn bốn mươi học trò.

Một thầy giáo giới thiệu vắn tắt về Glorjana và tôi. Sau đó, các học trò được phép hỏi chúng tôi bất cứ câu hỏi nào. Câu hỏi mà một nữ sinh đặt cho tôi là: “Bà đã vượt qua nỗi sợ thế nào để cầm bút viết và công bố tác phẩm của mình? Tôi rất muốn viết câu chuyện của riêng mình vào mỗi đêm, nhưng khi ban ngày, tôi lại sợ hãi không viết được, vì nghĩ không đủ tài năng”.

Tác giả cùng dịch thơ với học trò Romania. Ảnh: Kovács Tunde

Tác giả cùng dịch thơ với học trò Romania. Ảnh: Kovács Tunde

Điều kỳ lạ là câu hỏi này của nữ sinh Romania đã khơi lại ký ức mạnh mẽ trong tôi. Tôi đã chia sẻ với các em về ký ức viết tác phẩm văn học đầu tay… Cả cô giáo và học trò tại đây đều xúc động khi nghe tôi kể tới chi tiết mình phải dùng tờ lịch đã bóc bỏ đi để viết tác phẩm đầu tay lên mặt sau do điều kiện thiếu thốn giấy viết thời thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước ở Việt Nam.

Tôi cũng đã sợ hãi và cho rằng tác phẩm thơ mình viết ra không có giá trị gì, mọi người sẽ cười nhạo nếu đọc được, nên viết xong tôi lại giấu biến đi, và sau này chẳng còn tìm lại được những tờ lịch chép thơ lên mặt sau ấy nữa. Cho đến khi tôi viết được một truyện ngắn, tự tin hơn và liều lĩnh gửi tới tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong.

Truyện đã được đăng và tòa soạn gửi nhuận bút về cho mẹ tôi, do tôi đề địa chỉ của mẹ trên bản thảo. Được đăng tác phẩm văn học đầu tay là một trải nghiệm hạnh phúc lớn lao đầu đời, mà tôi sẽ nhớ mãi.

Nó cũng là động lực để tôi tiếp tục viết văn và đạt được thành tựu như ngày nay. Cho dù có sợ hãi và thiếu tự tin đến mức nào, ta vẫn cần bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình.

Học trò sau đó đã tìm tôi để xin chữ ký vào sổ tay của các em. Một giáo viên khác cũng xin chữ ký của tôi, và cảm ơn ký ức tôi chia sẻ. Cô cho rằng, câu chuyện có tác động sâu sắc tới các học trò của cô, bởi ngày nay ở Romania này, các em có quá nhiều thứ dễ dẫn đến sự thiếu động lực phát triển bản thân. Câu chuyện của tôi giúp các em thức tỉnh.

Cũng trong buổi giao lưu, tôi còn có thời gian để giới thiệu một nét văn hóa Việt đặc sắc với học trò. Tôi đã nói về Tết Trung thu của Việt Nam và bánh Trung thu. Những hình ảnh bánh Trung thu – bánh mặt trăng của Việt Nam lập tức được các học sinh Romania tìm kiếm trên mạng và chiếu lên màn hình lớn trong lớp.

Các em hỏi tôi từng chi tiết về bánh, cách tổ chức Tết Trung thu ra sao. Thật tự hào khi được giới thiệu với học trò ở một quốc gia khác về những tập tục văn hóa đặc trưng quê nhà, mang lại niềm vui cho trẻ em của nước mình. Tôi thầm biết ơn thơ văn, quả vậy, thơ văn chính là thế giới tinh thần chung, nơi không hề có biên giới, để mọi người tự do chia sẻ niềm hân hoan của đời sống.

Chia sẻ về mục đích của việc để học trò được gặp gỡ, đối thoại với các nhà thơ trong nước và quốc tế, cô Kovács Tunde cho rằng, việc học văn học của học sinh không chỉ trên văn bản và nghe cô giáo giảng. Sẽ ấn tượng và tác động lớn lao hơn đối với các em khi được trực tiếp gặp tác giả của tác phẩm mà các em đọc, phân tích và đặt câu hỏi để tác giả trả lời.

Đối thoại với học trò về tác phẩm của mình là một trải nghiệm hữu ích cho cả tác giả và người đọc là học trò. Hai bên sẽ đạt sự thấu hiểu và nới rộng nội dung tác phẩm.

Hơn nữa, khi trải nghiệm việc cùng làm thơ, dịch thơ với các tác giả nước ngoài, các em sẽ bước đầu hiểu trực tiếp ý nghĩa thực tế của việc sáng tác, của sự trao đổi văn hóa và các giá trị nhân loại qua thơ văn đa quốc gia.

Cô giáo Kovács Tunde cũng khuyến khích tôi khi về nước nên dành thời gian gặp gỡ và trò chuyện với sinh viên, học sinh. Cô cũng chia sẻ, rằng nhiều năm qua cô liên tục kết nối với liên hoan thơ này, để đưa các tác giả đến với những lứa học trò của mình. Tuy nhiên, việc này là tự nguyện.

Cô chỉ thông báo trước với các lớp rằng, sẽ có sự kiện gặp gỡ các tác giả, em nào tham gia thì đăng ký trước với cô giáo. Sau đó, từng nhóm học sinh sẽ được nhận tác phẩm của tác giả mà mình sắp được gặp gỡ và đối thoại.

Các em đọc tác phẩm, bình luận, vẽ tranh dựa trên sự hiểu biết, cảm nhận của mình về tác phẩm gốc của tác giả. Các em cũng học cách nói lên cảm nhận của mình về tác phẩm, thậm chí là nói cảm nhận đó bằng tiếng nước ngoài (ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả).

Tôi cũng rất biết ơn cô giáo Kovács Tunde và học trò tại Trường Gheorghe Sincai Tanitokepzo. Qua việc gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ về tác phẩm, ký ức của mình với cô trò tại đây, đã cho tôi thêm năng lượng mới, sự hứng khởi cùng những thay đổi cần thiết khi trở lại Việt Nam, tiếp tục làm công việc sáng tác thơ văn của mình. Trong đó, có một điều mới mà chắc chắn tôi sẽ làm, đó là chủ động tiếp xúc với các em học sinh…

Kiều Bích Hậu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-thoai-va-trai-nghiem-viet-tho-voi-hoc-tro-post645956.html