Đối thoại về nghệ thuật kể chuyện trong điện ảnh

Những bộ phim của nhiều quốc gia đang kể câu chuyện giống nhau, có thể coi là 'đại dịch toàn cầu hóa' về điện ảnh, khi bản sắc cá nhân của nhà làm phim dường như bị xóa mờ để nhường chỗ cho sự đồng nhất cả về lối nghĩ, cách kể.

Tọa đàm Conversations on storytelling: Regional voices, global impact (tạm dịch: Đối thoại về nghệ thuật kể chuyện: Tiếng nói khu vực, tác động toàn cầu) do trường Đại học Columbia và Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead tổ chức, vừa diễn ra ngày 15.7 tại Hà Nội. Với sự góp mặt của các nhà đạo diễn như Đặng Nhật Minh, Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Ngọc Lân cùng sự điều phối của đạo diễn người Mỹ gốc Việt - Tony Bùi, những câu chuyện về kỷ niệm làm phim của các diễn giả được gợi mở.

Các diễn giả chụp ảnh tại tọa đàm “Đối thoại về nghệ thuật kể chuyện: Tiếng nói khu vực, tác động toàn cầu”.

Các diễn giả chụp ảnh tại tọa đàm “Đối thoại về nghệ thuật kể chuyện: Tiếng nói khu vực, tác động toàn cầu”.

Quan niệm và cách kể chuyện trong điện ảnh

Mỗi bộ phim là một câu chuyện để kể. Đối với đạo diễn Đặng Nhật Minh, để lay động trái tim của khán giả, điện ảnh cần cất lên tiếng nói chân thực về thân phận con người. Đó là nhận định mà ông đúc kết từ sự kiện chiếu phim Bao giờ cho đến tháng mười ở Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985, khi vào thời điểm đó, một số người phản đối bộ phim đầu tiên của Hà Nội được chiếu tại một liên hoan phim của Mỹ.

“Tuy nhiên, sau khi xem xong, ai cũng rơi nước mắt cảm động vì những con người trên phim dễ thương, gần gũi, khác xa so với hình dung của họ. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cảm xúc mà nghệ thuật đem lại có thể hóa giải mọi thù hận”, ông nói.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh là “người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh”(Hoàng Phủ Ngọc Tường). Ông là tác giả của nhiều bộ phim cách mạng nay trở thành kinh điển: Bao giờ cho đến tháng mười (1984), Mùa ổi (2000), Đừng đốt (2009)… Trong đó, bộ phim mà ông ấn tượng nhất là Thị xã trong tầm tay (1983). Ảnh: Tạp chí Thế giới điện ảnh.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh lấy ý niệm “đi đến tận cùng câu chuyện của dân tộc mình, sẽ gặp được nhân loại” làm quan điểm nghệ thuật xuyên suốt hành trình làm phim sau này. Ông cũng quyết định một cách kể chuyện khác cho bộ phim gần đây nhất mang tên Hoa nhài (2022), đó là xóa nhòa sự kịch tính ở bề mặt phim, thay vào đó, tập trung vào xung đột nội tại, mạch tâm lý trong chiều sâu nhân vật.

Nói về khoảnh khắc nghĩ tới điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ đó là việc nhà làm phim kể được hiện thực trong tâm trí theo lối tối giản. Cô ấn tượng với một cảnh toàn tĩnh tại trong phim The Great Beauty (2013) của đạo diễn người Ý - Paolo Sorrentino, khi một nhà văn già nằm nhìn lên trần nhà bỗng thấy đại dương mênh mông.

Ngoài ra, cú máy dài 6 phút quay cảnh bữa tiệc xuống hồ bơi trong phim Soy Cuba (Tôi là Cuba) (1964) cũng khiến cô bất ngờ về kỹ thuật quay phim của bộ phim này, khiến nữ đạo diễn “muốn làm phim ngay”.

Cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng mười.

Mối lo ngại về "đại dịch toàn cầu hóa" điện ảnh

Khi được hỏi về lý do đạo diễn Phạm Ngọc Lân chuyển từ phim ngắn sang thực hiện phim dài, anh cho biết điều tiên quyết là xây dựng thái độ và cách nhìn nhận với bất kỳ loại phim nào.

Khác với phim ngắn, vị đạo diễn phải đối mặt với việc đưa phim dài ra rạp ở Việt Nam trong bối cảnh việc phát hình phim hiện tại không còn mô hình rạp độc lập, thay vào đó, là rạp thương mại tích hợp trung tâm mua sắm. Anh phản đối hình thức tích hợp này bởi hành vi xem dần biến thành hành vi tiêu dùng, xem phim giờ đây gắn liền với mua sắm hàng hóa. Vì thái độ với phim bị biến đổi nên vô tình, văn hóa cũng bị đẩy ra xa hơn.

Áp phích phim Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân – bộ phim đoạt giải GWFF Best First Feature (Phim dài đầu tay xuất sắc của GWFF) tại Liên hoan phim Berlin 2024; giải Phim Châu Á hay nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF II). Ảnh: VietnamPlus.

Đồng tình với quan điểm trên, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đưa ra giải pháp phát hành phim của riêng mình, đó là tạo ra một mạng lưới tập hợp những đối tượng có cùng quan tâm với chủ đề mình hướng tới, rồi từ đó, nhiều người biết tới và tìm đến xem hơn. Với phương pháp như vậy, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt do đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama và Nguyễn Hoàng Điệp sản xuất từ đầu năm 2024 nay đã công diễn 2 lần và đều cháy vé.

Nghĩ về tương lai của điện ảnh Việt trong vòng 3 – 5 năm tới, nữ đạo diễn vừa mừng vừa lo. Mừng vì, thực tế cho thấy đội ngũ làm phim trẻ hóa và ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, họ có thiên hướng tập trung vào ngành đạo diễn nên nhân sự tại các bộ phận khác thiếu hụt.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ tại tọa đàm. Với bộ phim Đập cánh giữa không trung, cô từng nhận giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice (giải thưởng Cristic's Week) thuộc Liên hoan phim Venice năm 2014. Ngoài ra, cô có mối quan tâm sâu sắc với di sản điện ảnh và đang trong giai đoạn hậu kỳ bộ phim mới 1982. Ảnh: Đỗ Hoàng Hải Anh.

Đặc biệt, tính đa dạng không chỉ thiếu về mặt nhân sự mà còn về chất lượng phim. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhớ tới giai đoạn Covid, đó là thời điểm cảm thấy bi quan trong sáng tạo nghệ thuật bởi cô nhận ra những bộ phim của nhiều quốc gia kể câu chuyện giống nhau, mà nữ đạo diễn gọi là "đại dịch toàn cầu hóa” về điện ảnh, khi bản sắc cá nhân của nhà làm phim dường như bị xóa mờ để nhường chỗ cho sự đồng nhất cả về lối nghĩ, cách kể.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hy vọng có những tiếng nói mới, gương mặt lạ trong điện ảnh. Những nhà làm phim Việt từng đoạt giải thưởng danh giá tại liên hoan phim của thế giới như Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo, Trần Thanh Huy, Lê Bình Giang… là những gương mặt cô đã biết từ lâu. Nữ đạo diễn cũng bày tỏ lo ngại, liệu rằng, nét đột phá, khác biệt trong điện ảnh có bị vùi lấp bởi cơ hội ra rạp chiếu một cách bình đẳng cho những phim độc lập theo dòng tác giả càng ngày càng hẹp lại?

Minh Trang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/doi-thoai-ve-nghe-thuat-ke-chuyen-trong-dien-anh-44440.html