Đối thoại với doanh nghiệp 4 tỉnh phía Bắc khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu
Ngày 2/3, tại Hải Dương, VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan và 4 tỉnh, thành tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và UBND của 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh tổ chức.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế là một trong những động lực chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Tổng thể trong năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 11,2 tỷ USD giá trị hàng hóa. Sản phẩm từ Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tính riêng tại 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của doanh nghiệp tại khu vực này ước đạt xấp xỉ 46 tỷ USD, chiếm khoảng 12,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Mặc dù ghi nhận nhiều bước tiến trong chính sách và thủ tục hành chính thời gian qua, nhưng theo ông Hoàng Quang Phòng, kết quả đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu” do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 7-2021 cho biết, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu; khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp ghi nhận, những năm qua, các bộ ngành rất tích cực cải cách các thủ tục hành chính để thuận lợi hóa thương mại. Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống thông quan tự động được đưa vào vận hành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan… Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về một số vấn đề kiểm tra chuyên ngành, logicstics…
Các đại biểu cũng nhận định, khâu hải quan chỉ chiếm khoảng 30% trong quy trình để thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, do đó cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành và chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đưa ra cam kết: Hải Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo giải quyết nhanh nhất. Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, các doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thực sự chỉ qua “một cửa”. Đồng thời, cần rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết Hiệp định thương mại tự do FTA.
Lãnh đạo VCCI khẳng định, sẽ tiếp tục chủ động tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan, thực hiện các hoạt động đối thoại giúp củng cố mối quan hệ đối tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới.