Đối thoại với doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn Duy Tiên về công tác bảo đảm an ninh trật tự
Chiều 12/12, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn thị xã Duy Tiên về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT).
Chiều 12/12, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn thị xã Duy Tiên về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT).
Tại buổi đối thoại, với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở và xây dựng, đại diện các doanh nghiệp đã phản ánh, đề xuất, kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh một số vấn đề như: Một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng thường xuyên nhận được công văn của các công ty Luật tại Hà Nội, email, tin nhắn đòi nợ của các đối tượng xã hội đen liên quan đến khoản nợ vay của công nhân đang làm việc tại công ty... Tuy nhiên, qua xác minh thì hầu hết các nhân sự đều báo là không vay nợ gì cả. Đề nghị Công an tỉnh làm rõ, xử lý nghiêm vấn đề này. Tình trạng vào giờ cao điểm (đầu ca, tan ca...) có nhiều người bán hàng rong tập trung trước cổng công ty gây cản trở giao thông…
Một số doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng nhiều xe container, xe tải, xe hợp đồng đưa đón công nhân… dừng đỗ không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng đường trước cổng một số công ty gây ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; hay tình trạng người dân tự ý chăn thả bò trong KCN, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường làm việc của người lao động...
Một số ý kiến khác đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ; hướng dẫn về thủ tục, thành phần hồ sơ nộp trực tuyến khi đề nghị tập huấn PCCC, CHCN đối với đội PCCC cơ sở....
Ngoài ra, một số ý kiến cũng phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng mất ATGT trong KCN do các phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm Luật giao thông; thiếu gờ giảm tốc, biển báo chú ý quan sát ở một số vị trí giao thông, đèn đường bị hỏng...
Những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp đã được diện lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cùng các phòng, ban chuyên môn trực tiếp giải đáp, trả lời ngay tại buổi đối thoại, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp cách thức giải quyết, xử lý các vấn đề có liên quan đến công tác đảm bảo ANTT, PCCC và các thủ tục hành chính trong thời gian tới...
Đối với nội dung vượt thẩm quyền, Ban tổ chức sẽ tiếp thu, tổng hợp, đề nghị với cấp trên để xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Thời gian qua, với tinh thần cầu thị, lắng nghe và sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công tác đảm bảo ANTT tại các KCN, Công an tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, bảo đảm ANTT tại các KCN; tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp trong KCN... Nhờ đó, tình hình ANTT tại các KCN trên địa bàn thị xã Duy Tiên cơ bản ổn định, không phát sinh điểm nóng về ANTT, không xảy ra đình công, lãn công.
Tuy nhiên, có thời điểm vẫn nổi lên một số vấn đề phức tạp như: một số đối tượng hoặc trực tiếp là công nhân của các công ty còn lợi dụng sơ hở trộm cắp tài sản; việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động tại một số doanh nghiệp còn chưa đảm bảo, nợ BHXH, nợ lương công nhân, dẫn đến công nhân ngừng việc để kiến nghị; một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định về PCCC như: không lắp đặt hệ thống PCCC; không xây dựng phương án PCCC; không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ...
Theo tổng hợp, trên địa bàn thị xã Duy Tiên hiện có 4 KCN đang hoạt động (KCN Đồng Văn I, II, III và KCN Hòa Mạc) với tổng diện tích quy hoạch là 1.123,2 ha, diện tích đã đầu tư xây dựng hạ tầng là 973,2 ha. Các KCN trên địa bàn thị xã Duy Tiên đã thu hút được 304 dự án đầu tư (205 FDI, 99 trong nước), trong đó 236 dự án đã đi vào hoạt hoạt động với các ngành nghề chủ yếu như: cơ khí chế tạo, lắp ráp, công nghiệp điện, điện tử, sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm; dệt may. Hiện có khoảng 49.310 lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn thị xã, trong đó có 27.000 lao động trong tỉnh, hơn 21.260 lao động ngoài tỉnh, gần 1.000 lao động người nước ngoài...