Đôi tình nhân quyên sinh dưới gốc cây và chuyện 'cây tử thần' ở Sài Gòn

Người bạn đưa chúng tôi đi ngang qua một tường rào cũ kỹ. Anh chỉ một cây cao bên trong bức tường rồi cho biết, đó là cây củ chi.

Cây củ chi trên đất Củ Chi

Củ Chi là một huyện ở phía tây bắc TP.HCM. Củ Chi nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng là bò tơ và khoai mì. Du khách khắp nơi tìm về đây để tham quan địa đạo, thưởng thức các món ăn nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến hai từ Củ Chi.

Anh Nguyễn Văn Cẩn, 60 tuổi ngụ tại xã Phú Hòa Đông - người đưa chúng tôi thăm vùng đất này cho biết, theo lời kể của ông bà anh khi xưa, vài trăm năm trước, đất Củ Chi là nơi có rất nhiều cây củ chi, nhiều đến nỗi bà con quen miệng gọi luôn vùng đất này là Củ Chi. Lời giải thích của anh làm chúng tôi thắc mắc, cây củ chi là cây gì, ở đâu và còn không?

Cây củ chi trong nghĩa trang.

Cây củ chi trong nghĩa trang.

Anh Cẩn cho biết, trên thị trường thuốc nam hiện đang có nhiều loại thuốc để chữa trị thoái hóa cột sống, thắt lưng. Những loại thuốc này được điều chế có thành phần là hạt mã tiền, mà mã tiền chính là hạt của cây củ chi.

Anh nói tiếp, trước kia trong dân gian, hạt mã tiền được dùng làm thuốc xoa bóp các chứng bệnh về xương khớp và tê liệt nửa người. Tính ưu việt của hạt mã tiền đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và điều chế ra nhiều loại thuốc cứu người.

Nhưng cây này lại có một đặc tính khác khiến ai cũng phải ghê sợ. Độc tính của nó được xếp vào hàng đầu trong các loại độc tính. Thân, lá, rễ, quả, hạt của cây củ chi - cái nào cũng độc. Chỉ cần cho vào miệng một chút là có thể gây chết người.

Chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ trong ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông. Trước mắt chúng tôi là một nghĩa trang nhỏ của một dòng họ với hơn 20 ngôi mộ cũ mới. Phía sau hàng mộ, một cây cổ thụ cao lớn sừng sững dãi dầu với nắng mưa ...

Đến gần, gốc cây khá lớn, có thể 3 - 4 người ôm. Bên cạnh gốc cây lớn, còn một gốc nhỏ hơn. Cả hai kết thành một bụi. 'Củ chi là cây này đó. Nó nằm ở đây ít nhất cũng đã 200 năm rồi', anh Cẩn nói.

Bà Bông gom hạt vào những bao lớn để bán.

Bà Bông gom hạt vào những bao lớn để bán.

Cây củ chi thân gỗ, cao nhất khoảng 25m nhưng thường chỉ từ 5m - 12m. Lớp vỏ bọc thân cây màu xám trắng. Chỉ vào gốc, anh Cẩn cho biết, cây này đã bị vạt mất vỏ khá nhiều nên để lại nhiều vết sần sùi trên thân cây. Trên cành cây có những bông hoa màu trắng, có mùi thơm. Quả củ chi hình cầu, khi chín màu vàng. Bên trong quả chứa tối đa 5 hạt. Hạt củ chi hình tròn, tựa như nút áo.

Đến mùa, trái chín rụng đầy. Không một ai dám lượm để ăn bởi độc tố của nó. Chỉ một vài người đến lấy hột đem về phơi khô bán cho các tiệm thuốc bắc ... 'Nhưng đó là chuyện hồi xưa. Bây giờ cả Củ Chi này chỉ còn có 2 cây thì chuyện lượm hột về bán cũng là chuyện hi hữu', anh Cẩn nói.

Hột củ chi rơi dưới gốc.

Hột củ chi rơi dưới gốc.

Cần có kế hoạch hồi sinh cây củ chi

Anh Cẩn kể, theo lời các bậc cao niên, có những cái chết đã xảy ra do người dân nếm, ăn vỏ và hột củ chi. Trong đó có giai thoại về đôi tình nhân gục chết dưới gốc củ chi. Sau này, hai bên gia đình tìm được thư tuyệt mệnh của đôi trai gái thì sự thật mới có lời giải đáp.

Vì bị cha mẹ cấm cản chuyện hôn nhân, cả hai đã tìm đến cây củ chi rồi ăn thứ lá cây kịch độc này để cùng chết.

Từ đó, để tránh những cái chết không đáng có, bà con nơi đây đã chặt hạ từng cây một để đến hôm nay, trên đất Củ Chi, ngoài cây nằm ở nghĩa trang này ra chỉ còn một cây nữa ở gần đây mà thôi.

 Gốc củ chi bị vạt nhiều chỗ.

Gốc củ chi bị vạt nhiều chỗ.

Cây củ chi chúng tôi ghé thăm tiếp nằm trong khuôn viên đất của bà Nguyễn Thị Bông, 75 tuổi. Bụi củ chi nhà bà Bông khá lớn, có 2 cây to và hàng chục cây con. Bà kể: 'Ông nội chồng tôi nếu còn đã ngoài 100 tuổi. Lúc còn sống, ông nói cây củ chi này có từ thời ông cố ông sơ, nghĩa là cũng ngót nghét 200 năm tuổi rồi.

Khoảng cuối thập niên 1960, có lần Mỹ đưa xe ủi đến ủi gốc. Vậy mà nó không chết. Nhiều cây con từ rễ đã lọc lên um tùm thành bụi như thế đó'.

Bụi củ chi nhà bà Bông nằm bên trong tường rào vì vậy hạt củ chi rụng xuống nằm đầy dưới gốc. Bà cho chúng tôi xem những bao hột bà lượm.

'Cây này độc lắm', bà nói. 'Có bao nhiêu hột rụng xuống, tôi lượm hết cho vào bao. Nhiều tiệm thuốc bắc ở chợ thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông và cả Hà Nội đã đến đây mua. Một mùa, tôi có thể lượm được khoảng 10kg bán 100.000đ/kg, cũng có chút đồng ra đồng vào'.

 Ông Cẩn và bà Bông.

Ông Cẩn và bà Bông.

Bà Bông nhắc lại chuyện cũ, thuở đó, ông nội chồng bà bị đau chân. Ông lấy vỏ củ chi đốt thành than tán nhuyễn ngâm với rượu để uống mà đi lại được như người bình thường. Ngoài ra cũng có nhiều người bị bệnh triền miên túng quẫn cạn nghĩ đã hái lá củ chi uống tự vẫn... Những câu chuyện quanh cây củ chi khá nhiều nhưng tuổi tác đã làm bà không còn nhớ hết.

Củ chi là loại cây độc nhưng dược tính của nó cũng đã cứu được nhiều người. Vì thế - theo Báo Công lý, vài năm trước, huyện Củ Chi đã chủ động khôi phục loài cây này bằng cách trồng thử nghiệm khoảng 50 cây củ chi tại rừng di tích Bến Đình. Nhưng sau 10 năm, cây chỉ mới có đường kính khoảng 15cm và có dấu hiệu chậm lớn.

Trần Chánh Nghĩa

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/doi-tinh-nhan-quyen-sinh-duoi-goc-cay-va-chuyen-cay-tu-than-o-cu-chi-617963.html