Đối tượng buôn lậu cho sâm vào thùng xốp thả trôi sông

Hiện giá sâm Ngọc Linh loại 1 khoảng hơn 300 triệu đồng/kg nhưng loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg.

Ngày 8-9, tại Hà Nội, báo Ngày Nay tổ chức tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu bảo vệ người trồng sâm Việt Nam".

Chia sẻ về vấn nạn sâm nhập lậu vào Việt Nam, Đại tá Đỗ Đình Cường, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến nhập lậu sâm.

Theo ông Cường, hiện nay dọc biên giới Việt - Trung, đoạn qua địa phận tỉnh Lai Châu, phía Trung Quốc đã dựng hàng rào được 105km, còn lại 60km chưa rào, trong đó có các tuyến biên giới là rừng, sông, suối. Các đối tượng đã lợi dụng điều này để kết nối với chủ buôn Trung Quốc qua các mạng như WeChat để nhập lậu sâm.

“Sau khi thống nhất về giá cả, phương thức vận chuyển, các chủ buôn Trung Quốc cho sâm vào thùng xốp rồi thả trôi theo sông, suối khu vực biên giới rồi nhắn cho các đối tượng ở Việt Nam đón nhận. Khi thả trôi sông, nếu phát hiện có lực lượng chức năng, các đối tượng sẽ không vớt hàng nữa” - ông Cường nói.

Ông Trần Đức An, Giám đốc điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông hướng dẫn cách phân biệt sâm Ngọc Linh (cây nhỏ, mảnh) và sâm Trung Quốc (cây to, củ to). Ảnh: NTNN

Ông Trần Đức An, Giám đốc điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông hướng dẫn cách phân biệt sâm Ngọc Linh (cây nhỏ, mảnh) và sâm Trung Quốc (cây to, củ to). Ảnh: NTNN

Việc buôn lậu sâm diễn ra từ năm 2021, lực lượng biên phòng đã tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, tiến hành khởi tố 2 đối tượng và thu 172,9kg sâm, định giá 246 triệu đồng.

Đại tá Đỗ Đình Cường cho biết, để xử lý hình sự các đối tượng có một khó khăn rất lớn chính là giám định hàm lượng có trong sâm. Bởi sâm Trung Quốc được nhập về có nguồn gốc Lai Châu, người dân Trung Quốc thu mua về và lai tạo, nên khi đưa đi giám định rất khó phát hiện để xử lý.

Một thủ đoạn tinh vi khác cũng được Trung tá Cao Văn Thanh, Đội phó Đội , Công an tỉnh Lào Cai chỉ ra, đó là các đối tượng lợi dụng nhập khẩu hoa quả qua cửa khẩu để trà trộn vào bên trong 1-2 thùng sâm nhập lậu nên rất khó phát hiện, bắt giữ.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục thị trường (Bộ Công Thương), cho biết 8 tháng đầu năm nay đã có hơn 4400 vụ việc về mặt hàng sâm được lực lượng Quản lý thị trường xử lý.

“Chúng tôi không chỉ phát hiện nhiều cửa hàng bán sâm củ, mà còn phát hiện thêm nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm mạo danh nguồn gốc sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu" - ông Lê nói, đồng thời nhấn mạnh để xử lý được vấn nạn này đòi hỏi khâu giám định vô cùng phức tạp. Vì bản chất sâm Trung Quốc chuyển về có nguồn gen giống sâm Việt Nam, chỉ khác ở quy trình trồng. Bên Trung Quốc thường sử dụng thuốc, chất kích thích để sâm phát triển nhanh, gây ảnh hưởng đến người .

Theo thông tin tại tọa đàm, hiện giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng có giá trên 120 triệu đồng. Còn trên thị trường trôi nổi, loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg.

Ông Thào Văn Sủn, nông dân trồng sâm ở Lai Châu bày tỏ: “Chúng tôi đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề về vấn nạn sâm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này”.

Để ngăn chặn sâm nhập lậu, đại diện các cơ quan chức năng, các , hiệp hội đều thống nhất cần có giải pháp về việc cấp mã số vùng trồng để người dân truy xuất được nguồn gốc, phân biệt được sâm chuẩn và sâm không rõ nguồn gốc; quản lý chặt về chỉ dẫn địa lý; có thêm nhiều biện pháp kỹ thuật để xác nhận sâm Việt Nam và sâm Trung Quốc; đồng thời cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong kiểm soát, ngăn chặn sâm nhập lậu, sâm không rõ nguồn gốc ra thị trường…

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-tuong-buon-lau-cho-sam-vao-thung-xop-tha-troi-song-post750527.html