Đối tượng nào sẽ tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ 4?
Theo Cục Y tế dự phòng, mũi vaccine phòng Covid-19 thứ 4 sẽ tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi có suy giảm miễn dịch...
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4.
Trước đó, ngày 25/4, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế đã họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vaccine trong đó có việc tiêm vaccine phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4). Kết luận cuộc họp thống nhất các nội dung liên quan đến mũi 4 như sau:
Đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Vaccine sử dụng là loại vaccine mRNA (vaccine do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vaccine do Astra Zeneca sản xuất; vaccine cùng loại với mũi 3.
Thời gian tiêm mũi 4 ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.
Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn tiêm 3 tháng.
Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm rà soát, cập nhật thông tin về mũi 4 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19 gửi Bộ Y tế.
Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 4 này, một chuyên gia y tế cho rằng, nên cân nhắc mũi 4 cho 2 nhóm đối tượng người cao tuổi và người có suy giảm miễn dịch, đây là 2 nhóm có nguy cơ cao bệnh nặng/tử vong cao hơn. Và đây cũng là 2 nhóm duy nhất được tiêm ở các nước đã cho tiêm mũi 4 mà chưa mở rộng hơn. 2 nhóm đối tượng kia (nhóm nguy cơ phơi nhiễm cao và công nhân) sẽ ít hiệu quả, và mở rộng tiêm đại trà mũi 4 cần phải suy xét kĩ.
Bên cạnh đó, thời điểm tiêm mũi 4 nên dựa vào dự đoán tình hình dịch, dựa vào theo dõi đà tăng giảm của ca nhiễm, mùa (ví dụ mùa đông xuân có nguy cơ cao hơn), hoặc chuẩn bị cho sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm.
Thông thường thời gian giữa 2 mũi càng dài thì bảo vệ của vaccine càng tốt và lâu, vậy nên càng không vội khi dịch đang đi xuống như hiện nay.
Do hiệu lực mũi 4 giảm nhanh, nếu tiêm sớm quá khi dịch đang xuống và hiệu lực bảo vệ ca nặng của mũi 3 hoặc của đợt Omicron vừa rồi còn tốt, sẽ lãng phí rất lớn mà kém hiệu quả.
Chiến lược vaccine có lẽ nên chờ đợi các loại vaccine thế hệ mới có thể bảo vệ cùng lúc nhiều chủng hiện đang được nghiên cứu và phát triển, hơn là liên tục tiêm mũi tăng cường.