Đội Văn nghệ tuyên truyền cơ sở: Lan tỏa, giữ gìn bản sắc văn hóa

Đội Văn nghệ tuyên truyền cơ sở là lực lượng nòng cốt trong việc đưa thông tin, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân bằng hình thức nghệ thuật gần gũi, dễ hiểu. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, mô hình này còn giúp gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc dân tộc ngay từ cơ sở.

 Ra mắt Đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở xã Sơn Thành, huyện Na Rì.

Ra mắt Đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở xã Sơn Thành, huyện Na Rì.

Vào tháng 3 vừa qua, tại xã Sơn Thành (Na Rì), Trung tâm Văn hóa và Thông tin tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND xã tổ chức ra mắt Đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở, với 12 thành viên là những người có năng khiếu ca hát, giọng đọc truyền cảm đến từ các thôn, bản của xã Sơn Thành. Đội được thành lập sau 7 ngày tập huấn chuyên sâu (từ 7–13/3). Trong thời gian này, các thành viên không chỉ được hướng dẫn biên tập bản tin tuyên truyền, xây dựng chương trình văn nghệ cổ động mà còn tham mưu cho UBND xã ban hành Quyết định thành lập đội và Quy chế hoạt động cụ thể. Đây là mô hình có tính tổ chức rõ ràng, có phương hướng lâu dài, khác biệt so với hoạt động văn nghệ tự phát thường thấy ở các địa phương.

Việc ra mắt Đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở xã Sơn Thành không chỉ là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa ở địa phương mà còn thể hiện sự chủ động của chính quyền trong việc phát huy nội lực cộng đồng. Đội văn nghệ sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu. Những bản tin phát thanh, những tiết mục hát then, múa dân gian, tiểu phẩm kịch ngắn… khi được thể hiện bằng tiếng địa phương, bằng âm nhạc truyền thống, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ hơn nhiều so với tuyên truyền một chiều.

 Đội Văn nghệ cơ sở xã Sơn Thành (Na Rì) biểu diễn phục vụ bà con Nhân dân.

Đội Văn nghệ cơ sở xã Sơn Thành (Na Rì) biểu diễn phục vụ bà con Nhân dân.

Bà Nông Thị Dung, xã Sơn Thành, huyện Na Rì chia sẻ: Chúng tôi rất vui khi được đi xem đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở biểu diễn và tuyên truyền. Những bài hát, câu then do chính người dân địa phương thể hiện vừa gần gũi, vừa dễ hiểu. Nghe rồi là nhớ, là hiểu luôn chủ trương, chính sách mới. Tôi thấy đây là cách tuyên truyền rất hiệu quả.

Đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở chính là “cánh tay nối dài” của công tác truyền thông ở vùng sâu, vùng xa – nơi điều kiện tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế. Đồng thời, mô hình cũng là môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giúp người dân thêm gắn bó, cùng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Trong năm 2024, Trung tâm Văn hóa và Thông tin tỉnh đã hỗ trợ thành lập 6 đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở, ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đã hoàn thành xây dựng 3 CLB hát then – đàn tính và hỗ trợ hoạt động cho 12 đội văn nghệ truyền thống ở các xã. Những kết quả này là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng hình thức nghệ thuật ở cơ sở.

Trong bối cảnh công nghệ và các phương tiện truyền thông phát triển nhanh chóng, mô hình đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở với cách tiếp cận truyền thống nhưng giàu tính bản sắc, gần gũi với người dân, đã chứng minh được sức sống riêng. Khi mỗi giọng ca làng bản cất lên lời hát ca ngợi quê hương, nhắc nhở về trách nhiệm công dân hay lan tỏa tinh thần đoàn kết, thì đó không chỉ là lời ca mà còn là sự chuyển hóa văn hóa vào đời sống thực tế.

Việc nhân rộng mô hình này tại Bắc Kạn hứa hẹn sẽ tạo nên một mạng lưới tuyên truyền mềm dẻo, hiệu quả và bền vững – nơi văn hóa không chỉ là sản phẩm thụ hưởng mà còn là công cụ truyền tải thông tin, kiến thức, và khơi dậy tinh thần cộng đồng. Đây chính là hướng đi cần thiết để đưa văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi” ngay từ cơ sở./.

Mộc Lan

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/doi-van-nghe-tuyen-truyen-co-so-lan-toa-giu-gin-ban-sac-van-hoa-post70563.html