Đội viên sáng tạo AI – 'cuốn cẩm nang' phát minh của học trò
Đội viên sáng tạo AI là loạt bài 5 tác phẩm viết về những phát minh của học sinh cấp Trung học cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Những phát minh mang tính ứng dụng cao
Đội viên sáng tạo AI là loạt 5 bài viết với nội dung chính xoay quanh những phát minh, sáng chế của các em học sinh cấp Trung học cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm do nhóm tác giả Nguyễn Bá Hưng, Nguyễn Bình Sơn công tác tại Báo Khăn Quàng Đỏ - Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Tác phẩm được xem như “cuốn cẩm nang” tập hợp những phát minh, sáng chế của các em học sinh cấp Trung học cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bằng sự hướng dẫn của thầy cô cũng như những nỗ lực cá nhân, các em học sinh đã tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật, nghiên cứu tự động hóa để xây dựng những sản phẩm hữu ích phục vụ cho đời sống.
Mặc dù những sáng tạo do các bạn học sinh mày mò, chế tạo nhưng những sản phẩm cũng có giá trị nhất định và mở ra những hướng giáo dục mới, khuyến khích các bạn trong trường học và thực hành để những kiến thức được học tập trên lớp có thể được ứng dụng trong đời sống sinh hoạt.
Mong muốn phát minh của học sinh được lan tỏa
Chia sẻ về quá trình thực hiện loạt bài, nhà báo Nguyễn Bá Hưng chia sẻ: Hàng năm, ở TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo ngành Giáo dục, Sở Khoa học Công nghệ…thường xuyên tổ chức những cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh, nhất là các em học sinh cấp Trung học cơ sở.
Với học sinh cấp Trung học cơ sở, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, các em có thể tự suy nghĩ được đề tài, nảy ra ý tưởng, kết hợp với sự hướng dẫn của các thầy cô, sự mày mò tìm hiểu của bản thân để sáng tạo ra những sản phẩm tuy đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
“Trong quá trình ngành Giáo dục, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh, Sở Khoa học Công nghệ phát động các cuộc thi, bản thân tôi thấy những đề tài đoạt giải, đặc biệt là đoạt giải nhất của các em thường được áp dụng vào thực tế cuộc sống nhưng sự áp dụng đó không được phổ biến rộng rãi. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi bắt tay vào tìm hiểu.
Quá trình tìm hiểu, được thấy những phát minh của các em, được nghe các em chia sẻ về phát minh, tính ứng dụng của chúng vào cuộc sống tôi thấy được sự sáng tạo của học sinh cấp 2 rất nhiều. Từ đó tôi đã liên hệ, tìm hiểu các đề tài đoạt giải nhất và giới thiệu lần lượt những sáng kiến của các em tới độc giả.
Có những phát minh chỉ được các em mày mò, chế tạo từ những linh kiện cũ. Ví dụ như phát minh về dàn phơi đồ thông minh, mưa có thể tự thu vào hay bộ phát điện ở cổng trường…”, nhà báo Nguyễn Bá Hưng chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Bá Hưng cũng cho biết thêm, sau khi “mục sở thị” các phát minh của các em học sinh, anh đã tham vấn qua ý kiến của lãnh đạo ngành Giáo dục, Sở Khoa học Công nghệ cũng như một số chủ doanh nghiệp để xin ý kiến. “Mọi người đều đánh giá rất cao những phát minh này của các em và mong muốn những phát minh trên sẽ được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống”, Nhà báo Hưng cho biết.
Bản thân là một nhà báo, đã từng đi nhiều nơi, gắn bó với học sinh, thấu hiểu được những sáng tạo của các em học sinh nên anh Hưng mong muốn thông qua các tác phẩm báo chí có thể lan tỏa, giới thiệu những sản phẩm của học trò.
Bên cạnh đó, theo tác giả, loạt bài cũng đề cao việc học tập kiến thức cần phải đi đôi với thực hành. Những kiến thức thu nhận được trong quá trình học phải được ứng dụng vào thực tế.
“Là một đơn vị có truyền thống gửi các tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” tôi đánh giá giải là một sân chơi lành mạnh, hữu ích tôn vinh những giá trị của ngành Giáo dục. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” sẽ là cầu nối kết nối sản phẩm của học trò và các đơn vị, xí nghiệp”, nhà báo Nguyễn Bá Hưng chia sẻ.