Đôi vợ chồng già nghèo đau đáu nỗi niềm: 'Nếu một ngày không còn thì ai chăm lo con?'

Đã vào tuổi thất thập nhưng vợ chồng ông Hoàng Văn Thi vẫn quần quật kiếm sống nuôi người con trai bị mất trí, ông chỉ lo một mai mình nằm xuống thì không biết thế nào.

Sau một ngày vất vả, phơi mình dưới nắng gió, ông Hoàng Văn Thi (68 tuổi, dân tộc Tày), ngụ tại thôn Ngọc Thượng, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, khó nhọc lết từng bước về căn nhà đủ để che mưa chắn nắng. Bên trong căn nhà ấy, ông là người lo miếng ăn cho người vợ mắc bệnh cao huyết áp, người con trai mắc chứng mất trí và hai đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học.

Gồng gánh cả gia đình trên vai

Nhấp tạm ngụm nước chè, ông vào bếp chuẩn bị đồ ăn buổi trưa cho gia đình. Ngoài nồi cơm thì trong nhà ông chỉ có duy nhất món rau luộc để chấm nước mắm. Ông bảo đợt này hai đứa cháu đang nghỉ hè đi chơi, nên chả mua thêm gì cả, ăn tạm ít rau hái ngoài vườn cho xong bữa là được rồi.

"Vợ tôi - bà Lý Thị Đương (70 tuổi) mắc bệnh cao huyết áp, tháng nào cũng phải mua thuốc uống để giảm đi những cơn đau, con của tôi là Hoàng Văn Tiến (1989) thì bị tâm thần bẩm sinh, cũng phải thuốc thang để cháu không phát bệnh rồi đi lang thang, quấy phá láng giềng".

12h trưa, con trai ông buộc trâu đi về nhà, đôi mắt cậu ngơ ngác khi thấy có người lạ, nhìn khách một chút rồi lủi thủi đi vào bếp. Ngó theo dáng người con, ông bảo nó chỉ nhớ mặt bố mẹ và sáng dắt trâu đi chăn, chiều dắt trâu về.

Dù đã có tuổi, nhưng ông Thi là lao động chính trong nhà. Ông chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp như trồng keo, cây giang và cấy lúa để mua thức ăn cho cả nhà. Thu nhập chính của ông là làm ruộng, cái nguồn này chỉ đủ để đảm bảo lương thực, đủ ăn chứ không có thu nhập.

"Thu nhập thì trông chờ vào 2 con trâu để đi cày ruộng và mấy cái cây. Nhưng mà dạo này cây thất thu, ruộng thì cấy được ít, được hơn mẫu một chút, nếu tính ra thì còn lỗ. Bỏ thì tiếc nên phải cố làm", ông Thi cho hay.

Bên trong nhà ông không có gì đáng giá. Thứ tài sản có giá trị nhất là chiếc tivi cũ kỹ có thể nghe được tin tức thời sự trong ngày mà cũng sửa mấy lần vẫn hỏng. Ngày nóng, ánh nắng thoải mái rọi qua từng lỗ hổng trên mái tranh làm bên trong nhà ngột ngạt như hầm lò. Trời mưa to, nước lọt xuống kẽ hở chảy rả rích.

"Một ngày không còn tôi thì ai lo cho con"

Lao lực quá nhiều, tuổi lại già, ông Thi thường xuyên bị đau ốm nên việc mưu sinh càng thêm nhọc nhằn. Là trụ cột trong gia đình, ông Thi phải đảm trách muôn vàn nỗi lo toan mà lẽ ra tuổi ông không còn phải nghĩ đến.

"Gia đình thì hoàn cảnh vốn đã khó khăn, nay còn chăm cháu cũng mắc bệnh, bản thân tôi giờ cũng hay ốm, sốt, mỗi ngày thức dậy là chỉ mong sao đủ tiền mua thức ăn hàng ngày. Không biết còn trụ được đến bao lâu nữa, giả sử một ngày vợ chồng tôi không còn trên đời thì không biết ai sẽ lo cho cháu".

Không chỉ có nỗi lo cho người con trai, ông còn xót xa cho hai đứa cháu của người con lớn đang ở với mình. Bố mẹ không hòa hợp dẫn đến ly hôn, hai đứa nhỏ không được tình thương và sự quan tâm của bố mẹ nên xin xuống ở cùng với ông bà.

Thương con thương cháu, ông bà tặc lưỡi thôi thì có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Hàng ngày nhìn thấy người con biết dắt trâu đi chăn, hai cháu học hành chăm ngon cũng là sự động viên lớn cho gia đình của ông bà.

Ông Hoàng Văn Thi luôn canh cánh bên lòng về người con không may của mình.

Ông Hoàng Văn Thi luôn canh cánh bên lòng về người con không may của mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Hiển, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Thượng, xã Linh Hồ cho biết:"Gia đình chủ hộ Hoàng Văn Thi là gia đình thuộc hộ cực kỳ khó khăn của thôn. Có người con bị tâm thần mất trí từ bé, điều kiện khó khăn, vợ thì hay ốm, phải lấy thuốc thường xuyên. Lao động chính trong nhà chỉ còn mình ông, ông thì đã có tuổi.

Trong thôn và ban quản lý thôn cũng giúp ông bà khi ông bà có việc cần đến. Cán bộ ban quản lý thôn thì vào các ngày lễ, tết cũng sang biếu ông bà vài trăm khích lệ tinh thần chứ không giúp được nhiều".

Đồng hồ đã điểm gần 1h chiều, ông ngóng ra cửa vẫn chưa thấy vợ đi lấy thuốc về. Sợ con đói nên ông dọn cơm ra trước, trong mâm cơm chỉ có bát nước rau, đĩa rau luộc và bán nước mắm. Ông xới cơm cho con, người con ăn một cách ngon lành, thi thoảng nhìn ông rồi lại cười vô thức.

Nhật Vũ

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/doi-vo-chong-gia-ngheo-dau-dau-noi-niem-neu-mot-ngay-khong-con-thi-ai-cham-lo-con-20230624152447699.htm