Tôi là Trần Uyên Như (sinh năm 1991), “mẹ” của gần 350 thú nuôi bao gồm chó, mèo, thỏ, rùa bị thương tật, bỏ rơi hoặc buôn bán tại lò mổ.
Khoảng 7h30 mỗi ngày, tôi cùng chồng (Nguyễn Quốc Khánh, sinh năm 1990) chạy xe từ nhà riêng ở quận 6 đến trạm tại Bình Chánh. Đây là nơi ở của hơn 100 bé mèo, hơn 70 bé chó cùng nhiều động vật khác.
Thấy tôi đến, "các con" chạy đến quấn quýt, tranh nhau đòi bế. Tôi thuộc tên, tính cách và tình trạng sức khỏe của từng đứa. Ngày nào không được gặp tụi nó, tôi sẽ rất buồn.
Khi nuôi nhiều chó, mèo như thế, tôi lo lắng mình không đủ thời gian ôm ấp, chăm lo tỉ mỉ cho từng đứa. Tôi sẵn lòng tặng các con đến gia đình chủ mới để được yêu thương nhiều hơn. Nhưng nếu chủ mới không tốt, tôi chắc chắn đón các con về.
Tôi từng chuyển trạm đến 10 lần mới có thể ổn định tại khu nhà thuê ở Bình Chánh. Ở những nơi trước đó, hàng xóm thường phản ứng khi thấy chúng tôi nuôi nhiều chó, mèo. Tại đây, chúng tôi may mắn được mọi người thấu hiểu. Người em của tôi sinh sống tại trạm giúp chăm lo đồ ăn, nước uống cho các con vật.
Tôi thường giải cứu chó, mèo qua tin nhắn thông báo từ người dân, hầu hết chỉ nhận động vật vô chủ. Những con bị thương hoặc bệnh nặng, tôi đưa tới bác sĩ thú y chữa trị. Nếu bệnh nhẹ, tôi mang về trạm, tự cho uống thuốc. Tất cả thú nuôi của tôi đều được triệt sản và tiêm phòng đầy đủ hàng năm.
Mỗi tháng, vợ chồng tôi dành khoảng 80-100 triệu đồng cho chi phí thuê nhà, điện nước và mua đồ ăn cho các con, chưa kể chăm sóc y tế. Chúng tôi may mắn được các mạnh thường quân hỗ trợ 30-40%, phần còn lại nhờ công việc kinh doanh cá nhân và ba mẹ giúp đỡ.
Đợt dịch vừa rồi, do không thể đi lại mua sắm thường xuyên, vợ chồng tôi đặt mua nguyên một xe tải đồ dùng chó, mèo đưa qua trạm. Những tháng đó, riêng tiền mua giấy vệ sinh cho chúng đã tốn 15 triệu đồng.
Riêng với lũ rùa và thỏ, vợ chồng tôi hái rau, củ làm thức ăn cho chúng. Một số người hàng xóm còn mang cà rốt, rau muống tặng cho tụi nhỏ.
Vợ chồng tôi cùng quyết định không sinh con, muốn dành thời gian và sức khỏe để lo lắng cho tụi chó, mèo. Có thể sau này chúng tôi sẽ nhận con nuôi. Người ngoài thấy chúng tôi làm thế bàn tán nhiều lắm, nhưng chúng tôi luôn được cha mẹ đôi bên thấu hiểu, ủng hộ.
Tất cả những gì chúng tôi cầu mong lúc này là có sức khỏe tốt để chăm lo cho tụi chó, mèo. Từ ngày nhận nuôi tụi nó, vợ chồng tôi chú ý đến sức khỏe hơn, đi đường cũng không dám chạy xe nhanh. Nếu cả hai có ốm, bệnh, các bé sẽ bơ vơ lắm.
Ngày 18/4 vừa qua, tôi và chồng tổ chức hôn lễ sau 12 năm hẹn hò. Chúng tôi chụp bộ ảnh cưới ngay tại trạm với sự tham gia của những “đứa con" của mình. Vào những ngày lễ như Tết hoặc Giáng sinh, anh cũng là người cùng tôi tổ chức tiệc cho lũ chó, mèo tại trạm.
11h, vợ chồng tôi tạm biệt lũ thú cưng, lại chạy xe từ trạm về nhà. Tại đây, tôi mở một tiệm vật dụng thú cưng nhỏ, nhờ mẹ trông giúp. Ngoài ra, tôi và chồng cũng kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, kiếm tiền lo cho cuộc sống và “đàn con".
Sau giờ ăn trưa cùng gia đình, tôi tranh thủ dọn dẹp tiệm, chuẩn bị đồ dùng để đến nơi làm việc. Vợ chồng tôi sinh sống cùng mẹ đẻ tôi và gia đình anh trai, tất cả thành viên đều rất yêu động vật, giúp chăm sóc tụi nhỏ khi tôi đi làm.
Những mô hình chó, mèo là quà cưới của vợ chồng tôi ngày kết hôn. Cách đây 5 năm, tôi và chồng từng hủy đám cưới một lần để dành tiền chuyển trạm cho tụi nhỏ.
Không chỉ nuôi thú cưng tại trạm, ở nhà, tôi hiện cũng có 43 bé mèo và 21 bé chó. Một số đứa ở dưới tầng trệt, ngủ cùng mẹ hoặc anh hai tôi. Còn hầu hết đều ở trong phòng của vợ chồng tôi ở lầu 2.
Tụi nhỏ ăn uống, sinh hoạt ngay trong phòng và bên ngoài ban công đã được rào chắc. Thú thật, có một số đứa “bậy" ngay trên giường. Mỗi tối, vợ chồng tôi mất hơn một tiếng để dọn dẹp, khử mùi, thay chăn ga rồi mới có thể đặt lưng ngủ.
Vợ chồng tôi nghỉ trưa trên chiếc giường rộng 1,6 m. Cứ thấy ba mẹ nằm xuống, tụi nhỏ lại ùa lên đòi nằm cùng. Có một số đứa như chó Gà, mèo Bò Sữa Mập, mèo Ngầu luôn phải nằm sát tôi. Chồng tôi chỉ còn một chỗ nhỏ để nằm, anh thường phải nằm nghiêng, dành chỗ cho tụi nhỏ.
18h, nhận tin báo từ một người quen, vợ chồng tôi chạy xe đến chợ Phạm Thế Hiển (quận 8) để đón tụi mèo hoang. Khu vực này có hàng trăm mèo vô chủ. Chúng thường chạy nhảy trên các mái nhà hoặc kiếm đồ ăn trong chợ. Thời gian gần đây, nhiều kẻ gian đã đặt bả để bắt chúng, mang tới lò mổ.
Người dân xung quanh rất thương, họ thường xuyên mang cơm và xúc xích cho lũ mèo ăn. Họ gọi điện cho chúng tôi đến đón tụi mèo về. Tôi dự định đón khoảng 10 đứa, không thể đón nhiều hơn do không đủ điều kiện chăm sóc tất cả.
Hôm nay, may mắn tụi mèo đều khá khỏe mạnh. Vợ chồng tôi sẽ đưa chúng về nhà, nhốt vào lồng riêng, ngày mai sẽ đưa đi triệt sản, tiêm phòng. Có lẽ phải mất một thời gian, chúng mới có thể quen thuộc với ngôi nhà mới.
Buổi hôm nay đi đón mèo không được thuận lợi bởi trời mưa, tụi mèo lại khá dữ và nhiều lần chạy mất. Chúng tôi chỉ đón được 6 đứa. Hy vọng tất cả sẽ thấy an toàn hơn khi có được mái nhà mới cùng chúng tôi và hàng trăm đứa nhỏ tại trạm.
Phương Lâm - Thục Hạnh