Đói vốn, quy hoạch giao thông TP. HCM vẫn nhiều tắc nghẽn

Ngày 20/8, UBND TP. HCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề quy hoạch giao thông vận tải thành phố.

 Thiếu vốn để tháo gỡ các điểm nghẽn trong quy hoạch giao thông ở TP. HCM (ảnh minh họa)

Thiếu vốn để tháo gỡ các điểm nghẽn trong quy hoạch giao thông ở TP. HCM (ảnh minh họa)

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, quy hoạch giao thông của thành phố được phê duyệt năm 2013. Sau thời gian thực hiện, quy hoạch giao thông đã bộc lộ những bất cập rất lớn. Đó là những điểm nghẽn, nút thắt không chỉ nhìn ở phạm vi của ngành giao thông mà còn là vấn đề phát triển kinh tế, xã hội thành phố; không chỉ của thành phố mà còn của khu vực, của vùng; do vậy cần nhìn lại để bổ sung, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt này.

TP. HCM cũng đang tiến hành rà soát các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quan trọng là giao thông với quan điểm "giao thông đi trước, mở đường cho sự phát triển kinh tế xã hội", để từ đó mở mũi giao thông cho sự phát triển của thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ, dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM, nhu cầu phát triển hệ thống giao thông về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không rất lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách thì không đủ và kéo dài rất lâu, làm chậm sự phát triển của thành phố, vùng, đất nước nên việc tìm kiếm các mô hình, cơ chế tài chính để giải quyết vấn đề là rất cần thiết.

Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, cho biết tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chỉ đạt khoảng 35% so với quy hoạch theo Quyết định 568 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, đến nay, tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức, nhấn mạnh thách thức lớn nhất của TP. HCM hiện nay là thiếu nguồn vốn.

Theo Ban Đường sắt đô thị TP. HCM (2019), thành phố cần khoảng 26 tỷ USD cho 15 dự án để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị với tổng chiều dài gần 220km. Hiện tại, TP. HCM đã huy động được hơn 6,5 tỷ USD từ vốn vay ODA cho 3 dự án, tương đương 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư.

Như vậy TP. HCM vẫn còn khoảng 75% vốn cần tiếp tục huy động bằng các giải pháp có tính mới, đột phá bởi vì các nguồn vay ODA và hỗ trợ từ trung ương trong điều kiện hiện nay là vô cùng khó khăn.

Theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, hệ thống giao thông đường bộ gồm 6 tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 353km, quy mô 6 - 8 làn xe; 5 tuyến quốc lộ có tổng chiều dài trên địa bàn thành phố khoảng 106,7 km, quy mô đường cấp I, II (8 - 12 làn xe).

Ngoài ra, còn có 3 tuyến vành đai với tổng chiều dài khoảng 351km, đoạn trên địa bàn thành phố dài 117,6km, quy mô đường phố chính đô thị (8 - 10 làn xe) và đường cao tốc (6 - 8 làn); 5 tuyến đường trên cao, tổng chiều dài 70,7km, quy mô 4 làn xe.

Về nút giao thông: cải tạo, xây dựng mới 102 nút giao thông chính khác mức; 34 nút giao chính đồng mức; xây dựng mới 34 cầu, 1 hầm vượt sông...

8 tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài 697km; 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 172,6km và 7 Depot (Suối Tiên, Tham Lương, Tân Kiên, Hiệp Bình Phước, Thạnh Xuân, Nhà Bè, Đa Phước). Hệ thống xe buýt nhanh gồm 6 tuyến, chiều dài 95,2km.

Về hệ thống giao thông đường biển: luồng hàng hải qua khu vực TP. HCM gồm 11 tuyến với chiều dài là 228,8km; cảng biển TP HCM là cảng biển loại 1.

Hệ thống giao thông đường thủy nội địa có 90 tuyến dài 681,5 km.

Hệ thống cảng hàng không có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, công suất 50 triệu hành khách/năm và 0,8 - 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doi-von-quy-hoach-giao-thong-tp-hcm-van-nhieu-tac-nghen-20180504224272822.htm