Đòn bẩy của hàng vạn hộ gia đình ở Đồng Nai
Nguồn vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai đã giúp hàng vạn hộ gia đình vươn lên trong cuộc sống
Nhiều năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hồng (45 tuổi, ngụ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) được vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Nai để đầu tư làm vườn, nuôi dê.
Vươn lên thoát nghèo
Theo chị Hồng, từ 100 triệu đồng vốn vay, vợ chồng chị đã đầu tư phân bón, chăm sóc cho 9.000 m2 đất thuê trồng mít và nuôi đàn dê hơn 10 con, mỗi năm cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. "Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng mà gia đình tôi có tiền đầu tư sản xuất và giúp cuộc sống ngày càng tốt hơn" - chị Hồng nói.
Bà Trần Huyền Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thiện, cho biết từ nguồn vốn chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân trên địa bàn xã được tiếp cận các nguồn vốn vay để chăn nuôi bò, dê, cải tạo vườn cây ăn trái. Cụ thể, thông qua Hội Phụ nữ, 352 hộ được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH huyện Thống Nhất. "Nhờ nguồn vốn cho vay từ NHCSXH cùng sự chăm chỉ lao động nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã vươn lên thoát khỏi hộ nghèo và cuộc sống đang từng ngày thay đổi" - bà Trang đánh giá.
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai, đến ngày 31-10-2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.705 tỉ đồng, tăng 3.974 tỉ đồng, tăng 229,6% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉ lệ tăng trưởng bình quân đạt 12,85%/năm. Trong đó, nguồn vốn trung ương đạt 4.165 tỉ đồng, tăng 2.537 tỉ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 1.540 tỉ đồng.
Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang tổ chức triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng với tổng dư nợ cho vay đạt trên 5.694 tỉ đồng với 127.431 khách hàng còn dư nợ. So với năm 2014, dư nợ bình quân một khách hàng vay vốn tăng từ 17,2 triệu đồng lên 44,7 triệu đồng.
Ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai, cho biết trong 10 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 418.919 lượt hộ nghèo và những đối tượng chính sách được tiếp cận các nguồn vốn với số tiền trên 12.823 tỉ đồng (bình quân mỗi năm có 41.892 lượt hộ vay với số tiền giải ngân hằng năm là 1.282,3 tỉ đồng).
Qua đó, đã giải quyết việc làm cho trên 121.000 người lao động; hơn 20.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 770 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để mua, xây mới, cải tạo 770 căn nhà; xây dựng hơn 372.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt, giúp 55.732 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo vượt ngưỡng nghèo (trong đó có 20.848 hộ nghèo), đã góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo hằng năm của tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần không nhỏ giúp tỉnh Đồng Nai thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 120/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tạo thuận lợi cho khách hàng
Với phương thức "Giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã", Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai tổ chức tốt các điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở UBND cấp xã và hoạt động giao dịch này đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại; thuận lợi cho hoạt động giám sát của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Ông Nguyễn Sỹ Cường cho hay việc đặt lịch giao dịch vào một ngày, giờ cố định hằng tháng đối với mỗi điểm giao dịch, công khai đầy đủ các cơ chế chính sách, thủ tục vay vốn, đối tượng vay, lãi suất vay, thời gian vay… đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch với NHCSXH và chính quyền cơ sở.
Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tổ chức tốt hoạt động của 167 điểm giao dịch xã tại UBND cấp xã. Vào ngày giao dịch đã niêm yết, tổ giao dịch xã của NHCSXH sẽ đến điểm giao dịch để giao dịch với người nghèo, các đối tượng chính sách và khách hàng, trên 95% các nghiệp vụ liên quan được NHCSXH thực hiện tại đây như: Giải ngân, thu nợ, thu lãi, gửi tiết kiệm, giao nhận hồ sơ vay vốn. Điểm giao dịch xã tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng, tiết giảm chi phí, thời gian, bảo đảm công khai, minh bạch.
Theo ông Cường, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín 100% các ấp, khu phố; toàn tỉnh hiện có 2.591 tổ, với 127.431 tổ viên đang vay vốn với số tiền trên 5.694 tỉ đồng; bình quân mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn có 50 thành viên, dư nợ bình quân 2,198 tỉ đồng/tổ; tỉ lệ tổ có chất lượng hoạt động tốt chiếm trên 92%.
Tổ Tiết kiệm - cánh tay nối dài
Tổ Tiết kiệm và vay vốn là cánh tay nối dài của NHCSXH giúp chuyển tải nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, trực tiếp thực hiện một số nội dung công việc được NHCSXH ủy nhiệm như: Tổ chức họp bình xét vay vốn; hướng dẫn người dân làm thủ tục vay; giám sát việc sử dụng vốn vay; tuyên truyền, vận động tổ viên thực hành tiết kiệm; thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm; theo dõi đôn đốc khách hàng trả nợ; phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro, theo dõi các hộ vay trong quá trình sử dụng vốn vay...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/don-bay-cua-hang-van-ho-gia-dinh-o-dong-nai-196241202200707771.htm