Đòn bẩy để HTX nông nghiệp phát triển

Những năm qua, các chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp được tỉnh quan tâm thực hiện, giải quyết các vấn đề điện, nước, giao thông vào khu sản xuất và công tác bảo quản, sơ chế sản phẩm tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản địa phương, tạo 'đòn bẩy' để HTX phát triển mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Kho lạnh của HTX Dịch vụ nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) được hỗ trợ xây dựng phục vụ bảo quản hàng hóa nông sản.

Kho lạnh của HTX Dịch vụ nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) được hỗ trợ xây dựng phục vụ bảo quản hàng hóa nông sản.

Toàn tỉnh, hiện có khoảng 600 HTX nông nghiệp đang hoạt động, gần 8.200 thành viên, với tổng số vốn hoạt động trên 1.231 tỷ đồng. Qua khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tiễn của các HTX, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ, lồng ghép với các nguồn vốn chương trình nông thôn mới, nguồn ngân sách địa phương... đầu tư các mô hình tưới ẩm, tưới tiết kiệm, hạ tầng lưới điện đến khu sản xuất, cơ sở sơ chế, dây chuyền chế biến nông sản tại chỗ, đường đến các khu sản xuất.

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 83 công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp cho 77 HTX. Tổng kinh phí 69,7 tỷ đồng, trong đó, từ vốn ngân sách Nhà nước hơn 64,8 tỷ đồng, HTX đối ứng gần 4,9 tỷ đồng. Các công trình sau khi hoàn thành, bàn giao cho các HTX quản lý, sử dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, nâng cao chất lượng sản phẩm, như: mô hình tưới ẩm đã đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết, giải quyết tình trạng thiếu nước tưới sản xuất vào mùa khô và giải pháp hữu hiệu tiết kiệm tài nguyên nước; các sở sơ chế, chế biến giải quyết vấn đề bảo quản sau thu hoạch, sơ chế, đóng gói trước khi đến tay người tiêu dùng... Bên cạnh đó, các HTX đã tăng cường liên kết thành viên HTX và các hộ dân sản xuất theo chuỗi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng lợi nhuận sản xuất tiếp tục tái đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết, việc vận chuyển hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm quả tươi gặp rất nhiều khó khăn, tỉnh ta đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư kho lạnh, các lò sấy nhiệt, sấy lạnh để bảo quản, chế biến, giảm lượng tiêu thụ quả tươi. Nhiều sản phẩm qua chế biến đã xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, tiêu biểu như: Cà phê bột nguyên chất; trà vỏ cà phê; long nhãn sấy khô; xoài sấy dẻo; thanh long sấy dẻo; mận sấy gừng; mận sấy mật ong; chè Shan đặc biệt... Năm 2021, dự kiến tổng doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động HTX khoảng 60 triệu đồng/năm.

Mai Sơn là một trong những huyện có vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, hiện có gần 120 HTX nông nghiệp đang hoạt động. 10 năm qua, huyện đã hỗ trợ 20 HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, với tổng số tiền gần 12,8 tỷ đồng. Trong đó, HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn) được hỗ trợ 10 ha tưới ẩm cây ăn quả, nhà ươm cây giống, nhà sơ chế và dây chuyền sơ chế quả tươi, với tổng số gần 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan cho biết: Các công trình hỗ trợ kết cấu hạ tầng nông nghiệp bàn giao cho HTX quản lý, sử dụng hiệu quả. Hiện, HTX duy trì mô hình tưới ẩm cây ăn quả trên diện tích áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ. Dây chuyền sơ chế và nhà sơ chế được HTX sử dụng trong việc sơ chế, phân loại, đóng gói sản phẩm. Sản phẩm nông sản của HTX được dán tem trích xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn, được khách hàng tin dùng tại các siêu thị và cửa hàng hoa quả an toàn tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác.

Nhận được sự hỗ trợ về kết cấu hạ tầng nông nghiệp, các HTX đã quản lý, phát huy hiệu quả các công trình, dự án của Nhà nước đầu tư, nhân rộng các mô hình sản xuất tưới ẩm, tưới nhỏ giọt; các công trình điện, nước, nhà sơ chế, dây chuyền sơ chế được quan tâm nâng cấp, sửa chữa thường xuyên phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất ở các HTX. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cùng với sự hỗ trợ thu hút đầu tư của tỉnh, việc chủ động kế hoạch, điều tiết sản xuất phù hợp thực tiễn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất ở các HTX là việc làm cần thiết để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững, hiệu quả.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/don-bay-de-htx-nong-nghiep-phat-trien-43927