Đòn bẩy để phát triển lâm nghiệp bền vững

Trong hơn 3 năm qua, Gia Lai đã đạt nhiều thành tựu trong trong phát triển rừng bền vững, nâng cao sinh kế người dân và bảo vệ môi trường.

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2021-2030” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, nhiều mục tiêu quan trọng đã đạt và vượt tiến độ, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành lâm nghiệp.

Kết quả nổi bật

Từ năm 2021 đến 2024, toàn tỉnh đã trồng hơn 33.100 ha rừng, đạt 82,76% chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Với mục tiêu trồng 8.200 ha trong năm 2025, Gia Lai nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch 40.000 ha trong nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều huyện có diện tích rừng trồng lớn như: Kông Chro (5.770 ha), Kbang (4.000 ha), Đak Pơ (2.860 ha), Chư Prông (2.490 ha), Mang Yang (2.377 ha), Ia Grai (2.266 ha)…

 Màu xanh của rừng nguyên sinh ở Gia Lai. Ảnh: K.T

Màu xanh của rừng nguyên sinh ở Gia Lai. Ảnh: K.T

Kông Chro là địa phương có tiến độ trồng rừng vượt chỉ tiêu được giao hàng năm. Giai đoạn 2022-2024, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị liên quan đã vận động 976 hộ dân tự nguyện kê khai diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng rừng, với tổng diện tích gần 2.620 ha. Đồng thời, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã khai thác 608,41 ha rừng trồng với sản lượng gỗ hơn 41.737 m³.

Tại các xã có diện tích rừng trồng lớn như: Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Pơ Pho, Đăk Kơ Ning, Sró… người dân được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua cây giống, chăm sóc rừng và trồng xen cây ngắn ngày (mì, bắp, đậu...). Ông Trịnh Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Song-cho biết: Chính quyền địa phương thường xuyên vận động người dân kê khai đất lâm nghiệp để đăng ký trồng rừng; đồng thời, tích cực thu hồi phần đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, khuyến khích người dân trồng và chăm sóc rừng gắn với phát triển kinh tế bền vững. Hiện toàn xã có hơn 1.300 ha rừng trồng, trong đó trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng.

Còn tại Kbang, từ năm 2021 đến hết 2024, toàn huyện trồng hơn 4.000 ha rừng. Xã Lơ Ku là địa phương có diện tích trồng rừng lớn với hơn 700 ha, trong đó, hơn một nửa số diện tích đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Nam cho hay: “Việc trồng rừng không chỉ tạo việc làm mà còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng đất đồi, đất dốc để nâng cao thu nhập.

Hàng năm, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng, đồng thời kết nối với ngân hàng trên địa bàn để hỗ trợ người dân vay vốn mua cây giống và chăm sóc rừng trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng”.

 Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ kiểm tra chất lượng cây giống trước khi trồng. Ảnh: M.P

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ kiểm tra chất lượng cây giống trước khi trồng. Ảnh: M.P

Cùng với chính quyền địa phương, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku cũng tích cực trồng rừng với diện tích hơn 1.117 ha. Trong đó, rừng do Công ty tự trồng là 466,26 ha, rừng trồng hợp tác với cá nhân, hộ gia đình hơn 651,4 ha.

Ngoài ra, Công ty còn tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất lấn chiếm để trồng rừng hoặc hợp tác trồng rừng để cùng hưởng lợi. Từ năm 2017 đến nay, Công ty đã thu hồi được 468,32 ha, đồng thời tiếp tục vận động 650 hộ dân ký hợp đồng hợp tác trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm với diện tích hơn 766 ha.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 06-NQ/TU đã khẳng định vai trò là “cú hích” quan trọng thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển đúng hướng. Những kết quả đạt được không chỉ thể hiện qua các con số cụ thể mà còn mở ra kỳ vọng về một nền lâm nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững trong những năm tới.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU trên địa bàn huyện, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-khẳng định: “Địa phương đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Quý I-2025, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 3 dự án trồng rừng với tổng vốn đăng ký hơn 32 tỷ đồng. Trước đó, 13 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép trồng 5.521 ha rừng với tổng vốn đầu tư 280 tỷ đồng. Trong số này, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng như: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Phước trồng hơn 561 ha tại xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa), 373 ha tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện); Công ty TNHH Thương mại Việt Stone Gia Lai trồng 540 ha tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa); Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Lâm Khang trồng 175 ha tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh)…

 Cây giống keo lá tràm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chuẩn bị đem trồng rừng. Ảnh: M.P

Cây giống keo lá tràm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chuẩn bị đem trồng rừng. Ảnh: M.P

Ông Trương Đình Vĩnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Anh Nguyễn Gia Lai-thông tin: Doanh nghiệp đã trồng hơn 400/468 ha rừng sản xuất tại xã Ia Bă và Ia Grăng (huyện Ia Grai). Đồng thời, Công ty TNHH EAST WOOD Tây Nguyên cũng do ông làm đại diện đã được tỉnh chấp thuận chủ trương liên kết trồng rừng với một số công ty lâm nghiệp tại huyện Kông Chro và Mang Yang.

Chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất lâm nghiệp

Nghị quyết số 06-NQ/TU đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ngành lâm nghiệp tỉnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 6,58%/năm; tỷ lệ che phủ chung đạt 47,59% (tăng 0,89% so với năm 2020), trong đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,09% (tăng 0,39%).

Công tác trồng rừng đã được chính quyền các cấp, chủ rừng, người dân quan tâm hơn, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, nguồn giống đưa vào trồng được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo nguồn gốc rõ ràng nên chất lượng rừng, năng suất rừng trồng ngày được nâng cao.

Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh trồng mới 33.105,96 ha rừng, đạt 82,76% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Tổng diện tích thực hiện giao rừng đến cuối năm 2024 đạt trên 28.449 ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững hơn 3.455 ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 1 triệu m³, bình quân 254.128 m³/năm. Toàn tỉnh có 34/34 đơn vị chủ rừng đã xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

 Người dân trồng rừng tại lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: M.P

Người dân trồng rừng tại lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: M.P

Bên cạnh đó, nhiều chính sách bảo vệ và phát triển rừng đã phát huy hiệu quả. Người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng được khoán với mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/ha/năm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Từ năm 2022 đến 2024, tỉnh đã giao khoán bảo vệ hơn 104.000 ha rừng cho 5.463 hộ và 38 cộng đồng dân cư với tổng kinh phí gần 18,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn vốn từ ngân sách trung ương, địa phương cho phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2024 đạt hơn 1.010 tỷ đồng. Các chương trình, dự án đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

 Người dân huyện Kông Chro sống khỏe nhờ trồng rừng. Ảnh: M.P

Người dân huyện Kông Chro sống khỏe nhờ trồng rừng. Ảnh: M.P

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-nhận định: “Những kết quả đạt được là minh chứng cho tính đúng đắn của Nghị quyết số 06.

Thời gian tới, tỉnh cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả kinh tế khi sử dụng giống chất lượng tốt, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.

Mặt khác, việc rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến để thực hiện chuyển hóa rừng trồng hiện có và trồng rừng thâm canh; xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý diện tích đất lâm nghiệp người dân đang sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết thêm: Tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng; đồng thời, huy động và tiếp cận các nguồn lực quốc tế và trong nước để bảo tồn và phát triển bền vững khu vực này, kết hợp du lịch sinh thái nhằm tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, không chỉ nhằm đạt hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và sinh kế cho người dân sống gần rừng. Sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương cho chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

Đây cũng là động lực để người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần khuyến khích hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với rừng thông qua các mô hình sinh kế phù hợp.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/don-bay-de-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-post322339.html