'Đòn bẩy' đưa nông sản thực phẩm Việt tiến sâu hơn ở thị trường Trung Quốc
Những con số khả quan về xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024 đang cho thấy việc lựa chọn thị trường lớn, chính yếu như Trung Quốc là hướng đi đúng, nhưng cũng không nên quá chủ quan. Bởi muốn gia tăng thị phần ở thị trường láng giềng này, các doanh nghiệp cần lưu tâm đến yếu tố cạnh tranh và điều chỉnh những chiến lược có tính nổi bật để tạo 'đòn bẩy' mang lại hiệu quả cao hơn nữa.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 trong 3 thị trường xuất khẩu (XK) hàng đầu của Việt Nam ở ngành hàng nông lâm thủy sản. Trung Quốc đang chiếm 19,2% trong tổng giá trị kim ngạch XK ở ngành hàng này.
Những con số khả quan, nhưng không được chủ quan
Đơn cử như với XK cá tra vào Trung Quốc đang xếp thứ hai (sau Mỹ). Triển vọng XK cá tra sang thị trường này còn rất lớn. Thời gian gần đây quốc gia này đã giảm tồn kho nên tăng mua.
Gạo chất lượng cao của Việt Nam được đối tác thu mua của Trung Quốc (đứng bên trái) rất quan tâm và đặt nhiều đơn hàng.
Theo nhận định mới đây từ SeafoodSource (nguồn tin tức hàng đầu về ngành thủy sản quốc tế), sự e dè của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế chậm lại đã buộc các nhà nhập khẩu thủy sản trong nước phải tập trung vào các loài rẻ hơn, đặt cá tra Việt Nam vào vị trí đắc địa để tận dụng lợi thế.
Như chia sẻ của một nhân viên tại siêu thị Shou Gang ở Bắc Kinh (Trung Quốc), phi lê cá tra đông lạnh đang rất phổ biến trong thị trường thực phẩm sinh lợi dành cho trẻ em của Trung Quốc. Bởi vì cá tra là loại cá trắng sạch và mềm được nhiều bậc cha mẹ tin dùng như một lựa chọn lành mạnh cho con mình.
Tuy nhiên, SeafoodSource lưu ý về tính cạnh tranh và sự gia tăng của cá tra có tác động tiêu cực đối với các nhà sản xuất cá rô phi của Trung Quốc, những người đang hy vọng giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu bằng cách bán nhiều hơn trong nước. Đây cũng là điều mà các DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam cần lưu tâm.
Hoặc như XK tôm vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu của năm 2024 đã đạt kim ngạch 240 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, được xem là mức tăng trưởng rất mạnh. Tôm Việt Nam ở thị trường này mặc dù đang phải cạnh tranh về giá so với hai đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ, tuy nhiên người tiêu dùng ở đây sẵn sàng mua với giá cao vì tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn.
Hoặc như với XK rau quả trong 5 tháng đầu năm nay thu về gần 3 tỷ USD (tăng hơn 28% so cùng kỳ năm 2023), trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Riêng với trái cây “vua” như sầu riêng, nước này chiếm 92% tỷ trọng XK sầu riêng của Việt Nam, so với cùng kỳ năm rồi đã tăng 8%.
Có thể thấy với vị thế đứng thứ 2 trong 3 thị trường hàng đầu về XK nông lâm thủy sản của Việt Nam thì những dữ liệu khả quan như kể trên là rất đáng khích lệ. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp (DN) Việt trong ngành hàng nông lâm thủy sản (nhất là ở lĩnh vực nông sản thực phẩm) không nên chủ quan mà cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy mạnh XK, thâm nhập sâu hơn ở thị trường Trung Quốc. Bởi vì tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của nước này hàng năm vào khoảng 260 tỷ USD thì thị phần của Việt Nam chỉ chiếm vỏn vẹn chưa đến 5%.
Trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh điều quan trọng là chúng ta phải cải tiến ở khâu hạ tầng logistics và nâng cấp công nghệ bảo quản để rau quả Việt thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác, đang tham gia vào hội chợ quốc tế SIAL Thượng Hải 2024 (diễn ra ở Trung Quốc vào cuối tháng 5/2024), bà Nguyễn Thị Các Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát (một trong những đơn vị sản xuất bánh cuộn từ nông sản nổi tiếng của Đồng Tháp), cho biết qua hội chợ này muốn đánh giá lại xem khẩu vị của khách hàng Trung Quốc có sự thay đổi không. Mặt khác, công ty cũng muốn cho họ thấy là mình còn có nhiều dòng sản phẩm khác nữa với chất lượng cao từ nguồn nông sản Việt.
“Tôi cũng tìm hiểu thêm một số kênh bán hàng khác cũng như tăng cường số lượng khách hàng của mình tại thị trường Trung Quốc, vì đây là một thị trường rất lớn và tiềm năng”, bà Thủy nói.
Vị giám đốc này cho rằng từ việc tham gia XK sang Trung Quốc và qua tham dự hội chợ quốc tế của nước này, có thể thấy khách hàng ở đây họ khá quan tâm đến việc bao bì của DN Việt có nổi bật không, quan tâm đến thành phần của trái cây, của các loại hạt trong đó.
Điều chỉnh chiến lược nổi bật để cạnh tranh tốt hơn
Còn theo ông Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (chuyên sản xuất những sản phẩm đặc sản là bánh tráng siêu mỏng, muối chấm), sau khi tham gia vào hội chợ quốc tế nêu trên, điều kỳ vọng là công ty sẽ XK thêm một số mặt hàng như muối, bánh tráng trộn qua thị trường đông dân này.
“Tôi quan sát thấy khách hàng ở đây quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm bánh tráng cuốn siêu mỏng không nhúng nước. Sản phẩm của công ty đã XK sang thị trường Trung Quốc được hai năm nay, với dòng chủ lực là bánh tráng cuốn không nhúng nước. Đặc biệt đối tác phía Trung Quốc đã đưa những dòng sản phẩm này lên một số trang thương mại điện tử bán online ở đây”, ông Duy chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một người bản xứ làm đại diện cho một DN Việt trong hàng nông sản thực phẩm có nhiều năm thâm nhập sâu vào thị trường tỷ dân này, ông Lý Tứ Xuyên, đại diện của CTCP Vinamit tại Trung Quốc, có lưu ý một số vấn đề về mặt cạnh tranh địa phương. Đó là Trung Quốc có số lượng lớn các công ty thực phẩm địa phương và sự cạnh tranh rất khốc liệt. Cho nên các công ty Việt Nam cần phải nỗ lực để nổi bật về giá cả, chất lượng, thương hiệu.
Theo ông Xuyên, khi các công ty nước ngoài, như trường hợp các DN Việt, khi thâm nhập thị trường Trung Quốc, họ có thể phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa và thói quen tiêu dùng khác nhau, đồng thời cần điều chỉnh chiến lược sản phẩm của mình
“Việc thiết lập các kênh bán thực phẩm nhập khẩu ổn định tại Trung Quốc đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc, đây có thể là thách thức đối với các công ty nước ngoài mới tham gia thị trường”, ông Xuyên chỉ rõ.
Để các DN nông sản thực phẩm Việt thâm nhập và mở rộng thị trường thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, vị đại diện nêu trên có lời khuyên là cần áp dụng 3 chiến lược, gồm chất lượng, khác biệt hóa thương hiệu, hợp tác và mở rộng bài học.
Theo đó, các DN Việt cần nhấn mạnh vào chất lượng và an toàn sản phẩm, tăng cường giám sát chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng hình ảnh thực phẩm nhập khẩu chất lượng cao. Các DN cũng nên sử dụng sức ảnh hưởng của thương hiệu để tung ra thị trường các loại thực phẩm nhập khẩu đặc biệt và tạo dựng hình ảnh cũng như định vị thương hiệu độc đáo.
Mặt khác, các nhà XK nông sản thực phẩm Việt nên tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty địa phương của Trung Quốc để cùng phát triển thị trường, thiết lập các kênh bán hàng và hệ thống chuỗi cung ứng ổn định.