'Đòn bẩy' thúc đẩy công nghiệp nông thôn

Giai đoạn 2021-2023, Bình Phước tiếp tục thụ hưởng chương trình Đề án khuyến công quốc gia điểm về 'Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều'. Qua 3 năm triển khai thực hiện, với sự chủ động vào cuộc của các cơ quan, đơn vị liên quan, đề án khuyến công quốc gia điểm đã đạt những kết quả tích cực. Các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến điều, sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh sản xuất, phát triển thêm nhiều thị trường mới, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp nông thôn nói riêng theo định hướng của tỉnh.

Đổi mới công nghệ, nâng chất sản phẩm

Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đức Thịnh (Công ty Đức Thịnh), xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng là một trong 3 doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh lựa chọn thực hiện “Mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới, được triển khai thực hiện từ đề án khuyến công điểm quốc gia giai đoạn 2021-2023”. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự toán gần 12,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1 tỷ đồng. Công nghệ mới được Công ty Đức Thịnh lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là hệ thống máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, model công suất 3,4-4,5 tấn/giờ và máy bắn màu nhân sống có công suất 2-3 tấn/giờ, xuất xứ Trung Quốc.

Công nghệ mới được Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đức Thịnh, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là hệ thống máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, model công suất 3,4-4,5 tấn/giờ và máy bắn màu nhân sống có công suất 2-3 tấn/giờ

Công nghệ mới được Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đức Thịnh, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là hệ thống máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, model công suất 3,4-4,5 tấn/giờ và máy bắn màu nhân sống có công suất 2-3 tấn/giờ

Hệ thống máy móc, thiết bị đầu tư trong dây chuyền công nghệ mới của Công ty Đức Thịnh có tính năng ưu việt so với các dây chuyền sản xuất hạt điều trên thị trường, thể hiện qua việc tăng công suất nhà máy, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, đáp ứng kịp thời đơn đặt hàng. Ông Bùi Đức Thịnh, Giám đốc công ty cho biết, sau khi áp dụng công nghệ mới đã giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Nguyên Bình, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài là một trong 34 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất từ đề án khuyến công điểm quốc gia giai đoạn 2021-2023. Ông Nguyễn Thiện Tá, Giám đốc công ty cho biết, năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành điều gặp không ít khó khăn do nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn hỗ trợ 300 triệu đồng từ đề án khuyến công điểm quốc gia, công ty đã đầu tư máy phân loại màu hạt điều nhân trắng, công suất 2-5 tấn/giờ với giá 1,5 tỷ đồng. Sau khi đầu tư công nghệ tự động, 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Sau khi đầu tư công nghệ hiện đại, tự động, 100% sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn xuất khẩu” - ông Nguyễn Thiện Tá, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Nguyên Bình, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài chia sẻ

“Sau khi đầu tư công nghệ hiện đại, tự động, 100% sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn xuất khẩu” - ông Nguyễn Thiện Tá, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Nguyên Bình, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài chia sẻ

Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2021-2023 đã góp phần hoàn thành một số mục tiêu Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án “Đổi mới công nghệ đồng bộ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu đối với sản phẩm điều Bình Phước giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương VŨ NGỌC LONG

Đúng lộ trình

Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm, Bình Phước đã xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới. Hỗ trợ 34 cơ sở công nghiệp nông thôn trong lĩnh vực chế biến điều xuất khẩu, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất chế biến, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến điều tiêu biểu với tổng kinh phí 86 tỷ 306 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 13 tỷ 520 triệu đồng, còn lại là các cơ sở công nghiệp nông thôn đối ứng.

Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương kiểm tra thực tế việc sử dụng nguồn kinh phí từ đề án khuyến công năm 2022 tại Công ty TNHH Ngọc Châu, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng

Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương kiểm tra thực tế việc sử dụng nguồn kinh phí từ đề án khuyến công năm 2022 tại Công ty TNHH Ngọc Châu, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng

Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ đề án khuyến công quốc gia điểm, năm 2022 Công ty TNHH Ngọc Châu, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng đã đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến nhân hạt điều xuất khẩu

Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ đề án khuyến công quốc gia điểm, năm 2022 Công ty TNHH Ngọc Châu, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng đã đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến nhân hạt điều xuất khẩu

Kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ đề án khuyến công điểm quốc gia giai đoạn 2021-2023, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ theo đề án. Theo Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Đỗ Thị Minh Trâm, mặc dù triển khai trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tất cả nguồn vốn từ đề án khuyến công quốc gia điểm đã được Bình Phước giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Các nội dung hoạt động khuyến công được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực; nội dung hỗ trợ luôn gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn; tạo sự nhìn nhận mới về các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện gắn kết, cầu nối cho doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - Nhà nước, doanh nghiệp - thị trường.

Hệ thống máy đóng gói tự động tại Công ty TNHH Quân Đạt, thị xã Phước Long được hỗ trợ từ “Mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới, được triển khai thực hiện từ đề án khuyến công điểm quốc gia giai đoạn 2021-2023”

Hệ thống máy đóng gói tự động tại Công ty TNHH Quân Đạt, thị xã Phước Long được hỗ trợ từ “Mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới, được triển khai thực hiện từ đề án khuyến công điểm quốc gia giai đoạn 2021-2023”

“Các cơ sở công nghiệp nông thôn sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh sản xuất, phát triển thêm nhiều thị trường mới, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển theo đúng định hướng của Cục Công Thương địa phương, cũng như định hướng của tỉnh Bình Phước”.

Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương ĐỖ THỊ MINH TRÂM

Ông Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2021-2023 từng bước đưa hoạt động khuyến công khẳng định được vai trò, vị thế trong cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn này, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã có thêm cơ hội mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất. Qua đó trở thành những mô hình điểm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể gia nhập thị trường xuất khẩu với giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tăng lợi nhuận, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2021-2023 đã góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành điều của tỉnh Bình Phước. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành điều của tỉnh ước đạt 4 tỷ 180 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022, nằm trong nhóm 20 tỉnh/thành phố có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước và trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có tỷ trọng xuất siêu cao nhất cả nước. Trong đó, mặt hàng hạt điều đạt 1 tỷ 180 triệu USD, tăng 14% và chiếm 28,23% tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh.

Đức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/152142/don-bay-thuc-day-cong-nghiep-nong-thon