Đờn ca tài tử Nam bộ-Di sản tỏa sáng
Tối 8/12, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề 'Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng' nhân kỷ niệm 10 năm Ngày UNESCO chính thức ghi danh loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử vùng Nam Bộ của Việt Nam vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (5/12/2023-5/12/2023) tại Khu A - Công viên 23/9, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã hình thành và phát triển ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.
Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế giữa tiếng ca ngọt ngào, lời thơ sâu lắng, tiếng đờn mượt mà. Những giai điệu, ca từ vừa thể hiện tính bác học vừa có chất dân gian gắn liền với sinh hoạt đời thường cũng như thể hiện những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp nhưng rất đỗi nhân văn.
Sau 10 năm kể từ ngày 5/12/2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Phát biểu tại chương trình, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã xây dựng và triển khai đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử; tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi cho những người đam mê đờn ca tài tử phát huy tài năng và tìm kiếm tài năng trẻ.
Bên cạnh đó, thành phố tổ chức nhiều hoạt động truyền dạy tại các trường học và trong cộng đồng để tạo đội ngũ kế thừa; tạo môi trường cho nghệ nhân, những người yêu mến đờn ca tài tử có điều kiện để thực hành và thực hiện tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài để nhân dân thành phố nhận thức rõ hơn giá trị của di sản và vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản đờn ca tài tử.
“Trong thời gian tới, tôi kêu gọi sự tham gia ủng hộ hơn nữa của các tổ chức xã hội, các cơ quan, đơn vị cùng toàn thể nhân dân thành phố cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là tài sản vô giá của nhân dân được sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế hệ, để nghệ thuật này mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam” - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng” với 3 chương gồm: Chương 1 “Mối tơ duyên” khắc họa khởi nguồn hình thành nên loại hình đờn ca tài tử; chương 2 “Hội tụ thăng hoa” thể hiện sức sống của đờn ca tài tử trong đời sống của người dân Nam Bộ; chương 3 “Di sản tỏa sáng” phản ánh sức lan tỏa của đờn ca tài tử trong lòng đô thị hiện đại và nhịp sống xã hội hôm nay, khắc họa rõ nét quá trình hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ từ cuối thế kỷ 19 đến ngày nay.
Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy tụ nhiều Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, tài tử đờn, tài tử ca và các ca sĩ, nghệ sĩ: Quốc Đại, Cao Công Nghĩa, Nghệ sĩ ưu tú Lê Tứ, Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Thắm, Hà Như, Võ Minh Lâm, nhóm FM, nhóm 135, nhóm Mắt Ngọc và các vũ đoàn Mây Trắng, Mặt Trời, ABC…
Dịp này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tặng bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử trong 10 năm qua.
Trước đó, Ban Tổ chức tiến hành trao giải cho các chương trình, tiết mục xuất sắc tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ Thành phố Hồ Chí Minh giải “Hoa Sen Vàng” lần thứ VI năm 2023 diễn ra từ ngày 4/12 đến 7/12.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/don-ca-tai-tu-nam-bo-di-san-toa-sang-post786628.html