Đờn ca tài tử rạng ngời sắc xuân
Ngân nga câu vọng cổ
Dịch bệnh Covid-19 đã gây nên những khó khăn, mất mát, làm trì hoãn sự phát triển kinh tế và những cuộc họp mặt thường niên của các văn nghệ sĩ. Vì thế, với nhiều văn nghệ sĩ Bình Dương, cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ đầu xuân Nhâm Dần là một sự động viên thiết thực của lãnh đạo tỉnh. Qua đó cho thấy lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ để văn nghệ sĩ hoàn thành nhiệm vụ.
Giờ đây, tình hình dịch bệnh của tỉnh đã cơ bản ổn định, các hoạt động văn hóa văn nghệ hoạt động sôi nổi trở lại, nhất là các tụ điểm hát với nhau diễn ra hàng đêm thu hút rất đông những người có chung sở thích, đam mê. Họ đến các tụ điểm này để gặp bạn bè và hát cho nhau nghe, tìm những niềm vui sau một ngày lao động. Đặc biệt, nhiều bài vọng cổ ý nghĩa đã được ngân nga rất ngọt ngào, lan tỏa những làn gió mới khiến lòng người phấn khởi, vui tươi.
Tiết mục “Xuân họp mặt” do các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng biểu diễn
Chia sẻ với chúng tôi trong chương trình giao lưu đờn ca tài tử tại TP.Dĩ An, ông Trương Ngọc Vũ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Dĩ An cho biết: “Trải qua những khó khăn trong thời gian qua, chúng tôi càng trân quý những cuộc giao lưu như thế này và những tình cảm, những tâm huyết của các nghệ nhân, tài tử TP.Dĩ An và huyện Dầu Tiếng dành cho nhau”. Chương trình gồm các bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên, trích đoạn cải lương... có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân, những giá trị văn hóa truyền thống trong dịp tết, ca ngợi những thành tựu của đất nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Tham gia chương trình có 4 đơn vị, gồm: Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng, CLB Âm nhạc dân tộc TP.Dĩ An, CLB Cải lương TP.Dĩ An và CLB Đờn ca tài tử phường Đông Hòa (TP.Dĩ An).
Cũng với tinh thần lan tỏa những nét độc đáo của loại hình nghệ thuật di sản này, CLB Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An đã tham gia chương trình giao lưu đờn ca tài tử tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Điều này cho thấy sức sống của loại hình nghệ thuật này vẫn rất tràn đầy.
Để sức sống mãi căng tràn
Trong bài phát biểu nhân dịp họp mặt đầu năm mới, nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Phú đề xuất tỉnh cần phát động rộng rãi lực lượng sáng tác tập trung viết về đất và người Bình Dương trong tình hình mới với những diễn biến tích cực như hiện nay; cần có thêm nhiều tác phẩm viết về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội… của tỉnh. Đó là gương sáng của các tập thể, cá nhân nổi trong sản xuất, kinh doanh, trong giúp nhau vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Ông Phú cũng cho rằng không nên đặt nặng giá trị thứ hạng giải thưởng tại các cuộc thi mà nên có động thái để động viên các tác giả đều có tác phẩm được sử dụng rộng rãi.
Nhằm phát huy hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử”, nâng cao tinh thần trách nhiệm và nhận thức của cán bộ và quần chúng nhân dân trong thực hiện đề án, ngành văn hóa và thông tin các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cần có kế hoạch tổ chức định kỳ liên hoan đờn ca tài tử tại địa phương. Mặt khác, các địa phương cũng cần tổ chức liên hoan tại các tụ điểm như: Xã, phường, thị trấn để thu hút người chơi.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Phú nói: “Để sức sống của đờn ca tài tử mãi căng tràn thì rất cần sự quan tâm, chung tay góp sức của nhiều nguồn lực. Riêng CLB Đờn ca tài tử Bình Dương trực thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh rất cần sự quan tâm, phân bổ kinh phí từ Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016-2020” để hoạt động tốt hơn. Đối với việc vận động xã hội hóa để hoạt động thì cũng cần có ý kiến của lãnh đạo tỉnh mới tiến hành được”.
Bình Dương đã có Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016- 2020” và đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị về giải pháp thực hiện đề án. Vì vậy, hy vọng rằng lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm và các văn nghệ sĩ, tài tử sẽ cùng chung tay thực hiện để đờn ca tài tử Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển và lan tỏa những hương sắc đậm đà tại các sân chơi trong và ngoài tỉnh.
Năm 2016, trên cơ sở những văn bản quy định và thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỉnh triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016-2020”. Sau 5 năm thực hiện, đề án đã giúp cho di sản được bảo vệ, thực hành tốt hơn và có những đóng góp vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/don-ca-tai-tu-rang-ngoi-sac-xuan-a266554.html