'Đòn chí mạng' với Ukraine nếu Mỹ 'rút chân' hoàn toàn khỏi xung đột

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi Ukraine nếu tiến trình đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga không có tiến triển. Mặc dù Washington đã đưa ra những tín hiệu khác nhau nhưng đây không phải là lời đe dọa suông.

Ngày 3/3/2025, Mỹ đã tạm dừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine sau cuộc gặp căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky ngày 28/2 mặc dù sau đó đã dỡ bỏ quyết định này vào 11/3.

Một lệnh ngừng viện trợ quân sự từ Mỹ sẽ là cú đánh nặng nề đối với Ukraine nhưng liệu đây có phải đòn chí mạng? Theo một số nhà quan sát, việc Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ quân sự và tình báo sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chiến đấu của Ukraine, nhưng chưa chắc dẫn đến thất bại ngay lập tức. Trong khi đó, nếu việc cắt viện trợ chỉ ở mức giới hạn, tác động đến hiệu quả chiến đấu trên chiến trường của Ukraine cũng sẽ hạn chế hơn.

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, mức độ thiệt hại cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc châu Âu có thể bù đắp khoảng trống đó đến đâu. Hiện nay, Ukraine phụ thuộc rất lớn vào các hệ thống vũ khí, huấn luyện, tình báo và hậu cần của Mỹ. Dù sự hỗ trợ từ châu Âu và ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Ukraine đang tăng trưởng đáng kể, hai nguồn lực này vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng không và hỗ trợ tình báo phục vụ tấn công chính xác.

Vì vậy, việc tiếp tục nhận được viện trợ từ Mỹ là cực kỳ quan trọng đối với hiệu quả chiến đấu lâu dài của Ukraine trên chiến trường.

Các loại vũ khí Mỹ hỗ trợ Ukraine

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ đã trở thành nhà tài trợ quân sự và tài chính lớn nhất của Ukraine, với cam kết hỗ trợ 66,5 tỷ USD viện trợ quân sự và hơn 50 tỷ USD viện trợ tài chính. Ngoài ra, Mỹ còn đóng vai trò điều phối các đợt chuyển giao vũ khí từ các nước thứ ba và các thương vụ mua bán vũ khí quốc tế, đồng thời phối hợp với các đồng minh để bổ sung vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine.

Bên cạnh việc cung cấp vũ khí, Mỹ còn tổ chức huấn luyện toàn diện cho lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm từ chiến thuật cho các đơn vị nhỏ, hậu cần, phát triển lãnh đạo đến chiến đấu hiệp đồng binh chủng.

Đặc biệt, Washington cung cấp hướng dẫn chuyên biệt cho Kiev sử dụng các hệ thống vũ khí hiện đại như lựu pháo M777, hệ thống phòng không Patriot, xe chiến đấu bộ binh Bradley, bệ phóng HIMARS và tiêm kích F-16. Không chỉ vậy, Mỹ còn đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ tình báo, bao gồm tình báo tín hiệu (SIGINT), tình báo hình ảnh (IMINT) và tình báo con người (HUMINT), giúp Ukraine đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa, phá vỡ các hoạt động ngầm của Nga và theo dõi việc di chuyển của đối phương.

Đặc biệt, tình báo Mỹ đóng vai trò then chốt trong quá trình chỉ điểm mục tiêu cho các đòn tấn công chính xác, nhất là khi sử dụng các hệ thống như HIMARS. Theo nhiều báo cáo, quân đội Ukraine phụ thuộc lớn vào tọa độ do Mỹ cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí tiên tiến, cho thấy mức độ Mỹ đã tham gia vào “chuỗi tiêu diệt mục tiêu” của Ukraine sâu đến thế nào.

Sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine không chỉ dừng lại ở vũ khí và tình báo mà còn mở rộng đến việc lập kế hoạch quân sự và tăng cường năng lực dài hạn. Mỹ cũng làm việc chặt chẽ với Ukraine để phối hợp chiến lược và mục tiêu trên chiến trường, củng cố hệ thống phòng thủ mạng, đối phó với tham nhũng, duy trì nền kinh tế, xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng và lập kế hoạch tái thiết hậu chiến. Ngoài ra, Washington cũng quản lý hậu cần và vận chuyển các khoản viện trợ đến Kiev.

Mỹ sẽ cắt viện trợ cho Ukraine ở mức độ nào?

Nếu chính quyền Tổng thống Trump quyết định chấm dứt viện trợ cho Ukraine, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách hiểu cụ thể của từ "chấm dứt". Việc cắt viện trợ có thể diễn ra từ việc ngừng hoàn toàn mọi hình thức hỗ trợ, bao gồm cả ngăn cản các đồng minh chuyển giao vũ khí có liên quan đến công nghệ Mỹ cho tới các kịch bản giới hạn hơn, chẳng hạn như ngừng các gói hỗ trợ mới nhưng vẫn cho phép tiếp tục các cam kết hiện có. Mỗi kịch bản đều mang đến những hệ quả an ninh khác nhau với Ukraine.

Dù tương lai viện trợ từ Mỹ còn nhiều bất định nhưng việc cắt ngân sách không đồng nghĩa với việc chấm dứt ngay lập tức các đợt chuyển giao vũ khí đang diễn ra. Phần lớn viện trợ đã được Quốc hội phê duyệt từ trước vẫn đang trong quá trình sản xuất, bàn giao và sẽ tiếp tục được chuyển đến Ukraine trong vài năm tới, trừ khi chính quyền ra quyết định hủy bỏ các hợp đồng đã ký. Điều này có nghĩa là những vũ khí và thiết bị đã được ký kết trong 3 năm qua sẽ tiếp tục đổ về Ukraine, dù hoạt động đào tạo sử dụng các hệ thống vũ khí mới có thể bị đình chỉ.

Trong trường hợp Mỹ cắt viện trợ, một câu hỏi quan trọng là liệu châu Âu có được phép chuyển giao vũ khí và thông tin tình báo từ Mỹ cho Ukraine hay không.

Washington cũng có thể khuyến khích hoặc cho phép Starlink ngừng cung cấp dịch vụ tại Ukraine. Quân đội Ukraine hiện phụ thuộc đáng kể vào Starlink trong công tác chỉ huy và kiểm soát trong khi việc phát triển một hệ thống thay thế sẽ mất thời gian và gặp nhiều khó khăn. Trong ngắn hạn, nếu mất quyền truy cập vào Starlink, khả năng cơ động - vốn là một trong những lợi thế chính của Ukraine trước Nga và khả năng phản ứng nhanh của lực lượng Ukraine sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, Mỹ có thể ngừng cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí mà Ukraine đã nhận hoặc mua từ Mỹ. Trong chiến đấu, trang thiết bị liên tục bị hư hỏng và hao mòn trong khi Ukraine hiện có hàng nghìn thiết bị quân sự cần được sửa chữa. Mỹ cũng có thể ngăn các đồng minh châu Âu mua phụ tùng thay thế để gửi sang Ukraine.

Kịch bản tồi tệ nhất đối với Ukraine là Mỹ không chỉ ngừng mọi hỗ trợ quân sự và tình báo mà còn cấm hoàn toàn việc bán vũ khí, kể cả thông qua bên thứ ba. Tuy nhiên, kịch bản này hiện vẫn chưa xảy ra.

Liệu châu Âu có thể thay thế Mỹ?

Hiện châu Âu đang cung cấp một lượng viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine và hoàn toàn có khả năng gia tăng hỗ trợ nếu Mỹ giảm hoặc rút hoàn toàn viện trợ.

Trên phương diện tuyên bố chính trị, phần lớn các quốc gia châu Âu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine. Để bù đắp cho khả năng Mỹ rút viện trợ, châu Âu cần tăng gần như gấp đôi viện trợ song phương, từ mức 44 tỷ euro hiện tại lên khoảng 82 tỷ euro. Đây là một bước nhảy vọt lớn về cam kết tài chính và chính trị.

Thực tế là châu Âu đã cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến và tiềm năng hỗ trợ trong tương lai vẫn còn rất lớn nếu có đủ ý chí chính trị và nguồn lực được huy động.

Bên cạnh việc cung cấp viện trợ, các quốc gia châu Âu cũng đã huấn luyện hơn 70.000 binh sĩ Ukraine - một con số vượt xa so với Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ trên chính trường, các nước châu Âu không có ý định triển khai binh lính đến Ukraine trong lúc chiến sự vẫn đang diễn ra.

Hiện tại, châu Âu vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò hỗ trợ của Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng. Mặc dù châu Âu sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng lớn, hệ thống này vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Hoặc ngay cả khi có sức mạnh kinh tế tập thể vượt trội so với Nga, châu Âu không thể đặt trong tình trạng "thời chiến" như Moscow. Việc mở rộng sản xuất pháo, đạn dược và các nhu yếu phẩm quân sự khác là điều hoàn toàn khả thi nhưng sẽ cần thời gian để thực hiện.

Về phòng thủ tên lửa, các hệ thống do châu Âu sản xuất có thể giúp bảo vệ Ukraine trước các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga, tuy nhiên chỉ có hệ thống Patriot của Mỹ là có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Moscow. Dù hệ thống này chỉ chiếm một phần trong mạng lưới phòng không của Ukraine, việc Washington ngừng hỗ trợ sẽ tạo ra những khoảng trống nghiêm trọng trong năng lực phòng thủ.

Một lĩnh vực khác mà châu Âu khó có thể thay thế Mỹ là tình báo. Tình báo vệ tinh của Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine xác định và tấn công các mục tiêu quân sự Nga, cả trong lãnh thổ Ukraine lẫn bên ngoài.

Nếu xảy ra cắt giảm, Mỹ có thể chuyển giao việc điều phối hậu cần cho các đồng minh châu Âu, nhưng điều này không đơn giản và châu Âu sẽ cần thời gian để xây dựng năng lực thay thế.

Khả năng tự sản xuất của Ukraine

Kể từ sau khi xung đột nổ ra, ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Ukraine đã mở rộng đáng kể cả về quy mô sản xuất lẫn trình độ kỹ thuật. Hiện nay, khoảng 30% vũ khí của Ukraine được sản xuất trong nước, bao gồm tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp chở quân, đạn dược và hệ thống thông tin liên lạc.

Điểm nổi bật nhất trong sự phát triển công nghiệp quốc phòng của Ukraine là sự bùng nổ của ngành công nghiệp UAV. Riêng trong năm 2024, Ukraine đã sản xuất gần 2 triệu UAV. Đây là yếu tố then chốt trong các cuộc giao tranh dọc tiền tuyến. Về đạn dược, sản lượng pháo và đạn cối trong nước cũng tăng trưởng vượt bậc, từ 1 triệu viên năm 2023 lên 2,5 triệu viên năm 2024, tức tăng 150%.

Tuy vậy, Ukraine vẫn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài cho 70% trang thiết bị quân sự và phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc mở rộng năng lực tự cung tự cấp. Nhiều hệ thống sản xuất trong nước vẫn sử dụng linh kiện nhập khẩu, khiến Ukraine dễ bị tổn thương trước các gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, Ukraine chưa thể tự sản xuất đủ hệ thống phòng không tên lửa - một yếu tố sống còn trong cuộc xung đột hiện tại.

Nga cũng đã chủ động tấn công các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Đặc biệt, việc thay thế sự hỗ trợ tình báo từ Mỹ sẽ là bài toán vô cùng nan giải. Dù Ukraine đã phát triển được năng lực phân tích và sử dụng chính xác vũ khí dựa trên thông tin tình báo của mình nhưng sự thiếu vắng năng lực cảm biến và phân tích từ phía Mỹ sẽ khiến khả năng thu thập và xử lý thông tin chiến trường của Ukraine suy giảm rõ rệt

Việc Mỹ cắt viện trợ cũng có thể làm suy giảm tinh thần và ý chí chiến đấu của Ukraine. Hiện nay, Nga và Ukraine đang lún sâu vào một cuộc xung đột tiêu hao, nơi cả hai bên đều kỳ vọng đối phương sẽ suy sụp trước. Trong bối cảnh đó, tinh thần chiến đấu trở thành một biến số then chốt ảnh hưởng đến cục diện chiến trường.

Cán cân lực lượng thay đổi

Một khi Mỹ ngừng viện trợ, thế chủ động sẽ nghiêng hơn nữa về phía Nga. Trên thực tế, việc viện trợ của Mỹ lúc tăng lúc giảm đã ảnh hưởng rõ rệt đến chiến lược tác chiến của cả hai bên.

Nga nhiều khả năng sẽ gia tăng hoạt động tấn công dọc tiền tuyến Ukraine nếu nhận định rằng kho vũ khí của Kiev đang suy yếu sau các đợt cắt giảm viện trợ từ Mỹ. Tổn thất rõ ràng và ngay lập tức đối với khả năng chiến đấu của Ukraine là việc chia sẻ thông tin tình báo bị đình trệ. Mặc dù Ukraine đã phát triển năng lực tình báo riêng và có những tiến bộ vượt bậc trong việc sử dụng vũ khí chính xác của Mỹ dựa trên dữ liệu của chính họ, việc mất đi khả năng thu thập và phân tích thông tin của Mỹ sẽ khiến hiệu quả nắm bắt và xử lý thông tin trên chiến trường suy giảm.

Cuối cùng, mức độ thiệt hại đối với Ukraine sẽ phụ thuộc vào quy mô và phạm vi của việc Mỹ cắt viện trợ, cũng như khả năng của châu Âu trong việc lấp đầy khoảng trống đó. Việc tiếp tục chuyển giao các hệ thống vũ khí đã cam kết, cho phép châu Âu mua vũ khí Mỹ, duy trì chia sẻ tình báo và đẩy mạnh sản xuất quân sự sẽ giúp Ukraine phần nào xoay sở được nếu viện trợ Mỹ bị ngừng lại. Ngược lại, một đợt cắt viện trợ hoàn toàn sẽ khiến khả năng Ukraine hứng chịu tổn thất trên chiến trường tăng lên đáng kể.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CSIS

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/don-chi-mang-voi-ukraine-neu-my-rut-chan-hoan-toan-khoi-xung-dot-post1200854.vov