'Giải mã' sóng đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đang rất sôi động và sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.

Hút hơn 71% tổng vốn FDI

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, một nhà đầu tư đến từ Trung Quốc cho rằng, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến từ Trung Quốc nói riêng.

Đó là lý do, sau một thời gian khảo sát, doanh nghiệp này đã đầu tư một dự án vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD đặt tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2024 và đang tăng trưởng khá ổn định.

Việt Nam thu hút được 4,33 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh minh họa

Việt Nam thu hút được 4,33 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh minh họa

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, tháng 1/2025, Việt Nam thu hút được 4,33 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn FDI trong tháng 1/2025 tập trung vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 3,09 tỷ USD, chiếm gần 71,3% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 42,2% tổng số dự án FDI mới đầu tư vào Việt Nam và chiếm 63,5% số dự án điều chỉnh vốn trong tháng 1/2025. Đặc biệt, nếu xét về tổng vốn FDI giải ngân trong tháng 1/2025, thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm ưu thế.

Lũy kế đến hết tháng 1/2025, Việt Nam có 42.272 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 505,4 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với 17.962 dự án và có tổng vốn đăng ký 310,4 tỷ USD, chiếm 61,4% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên mới đây, ông Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam; Luật sư Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời cho rằng: Thời gian tới, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó những đối tác tham gia đầu tư vào lĩnh vực này vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…

Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI. Ảnh minh họa

Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI. Ảnh minh họa

Lực hút từ công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo các chuyên gia kinh tế, những lý do khiến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đó là: Việt Nam có môi trường đầu tư tương đối hấp dẫn với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, vừa thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực và là "cửa ngõ" để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía Tây bán đảo Đông Dương.

Ngoài ra, với quy mô dân số vượt 100 triệu dân vào năm 2024, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, chất lượng lao động ngày càng được cải thiện với chi phí lao động cạnh tranh. Việt Nam cũng tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với 17 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới. Thông qua các FTA sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tạo sự chuyển hướng cũng như đa dạng các mối quan hệ thương mại và doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đầu tư để tận dụng những cơ hội từ các FTA.

Ngoài những yếu tố trên, theo PGS, TSKH Nguyễn Mại: “Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện. Nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao”.

Đặc biệt, theo PGS, TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam cũng được đánh giá là có nhiều tiềm năng thu hút FDI vào lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao trong khu vực ASEAN, nhiều tập đoàn công nghệ cao tuyên bố chọn Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất toàn cầu.

Một yếu tố nữa khiến môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp FDI, nhất là FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đó là có sự xuất hiện của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới như: Samsung, LG, Honda, Toyota, Canon, NVIDIA,… Các tập đoàn này khi đầu tư vào Việt Nam sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh cũng như các đối tác của họ, tạo tác động lan tỏa cho môi trường đầu tư Việt Nam.

Mặc dù có ưu thế vượt trội trong thu hút FDI, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng nhũng nhiễu, tình trạng thủ tục hành chinh chậm được cải thiện, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án tại Việt Nam vẫn trở thành rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài. Để khắc phục những tồn tại này, PGS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cần phát huy hơn nữa tinh thần Chính phủ kiến tạo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm của Việt Nam trong năm 2025 được đánh giá giữ nhịp độ tích cực nhờ các dấu hiệu khả quan từ môi trường đầu tư kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên.

Linh Đan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-ma-song-dau-tu-vao-cong-nghiep-che-bien-che-tao-375082.html