Đơn đặt hàng tăng trở lại, sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực
Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp.
Ngành chế biến, chế tạo trong tháng 8 tăng 3,5%
Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 tiếp tục có những tín hiệu tích cực, tăng trưởng so với tháng 7, tuy nhiên chưa có sự gia tăng đột biến do sự phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu. So với cùng kỳ giá trị sản xuất và xuất khẩu 8 tháng giảm, nhưng mức độ suy giảm đang dần được thu hẹp.
Theo báo cáo, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7) cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...
Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, IIP ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành ước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%), mặc dù vậy, lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm trong sản xuất công nghiệp có xu hướng ngày càng thu hẹp.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%.
Phân theo địa phương, IIP trong 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước (Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%).
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP trong 8 tháng giảm do: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ năm trước (Quảng Nam giảm 32,2%; Bắc Ninh giảm 16,9%; Vĩnh Long giảm 14,4%; Sóc Trăng giảm 4,8%); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm (Lai Châu giảm 35,2%; Sơn La giảm 34,7%; Cao Bằng giảm 33,8%; Điện Biên giảm 30,4%; Hòa Bình giảm 26,2%); ngành khai khoáng giảm (Vĩnh Long giảm 79,9%; Hà Giang giảm 42,2%; Điện Biên giảm 9,5%; Quảng Nam giảm 4,9%).
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 5,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; xăng, dầu tăng 10,1%; ti vi tăng 10%; phân DAP tăng 9%; thuốc lá bao và vải dệt từ sợi nhân tạo cùng tăng 8,6%; thép cán tăng 6,5%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 20,4%; điện thoại di động giảm 17,7%; thép thanh, thép góc giảm 15,5%; xe máy giảm 7,4%; quần áo mặc thường giảm 5,8%; xi măng giảm 5,6%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội. Nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…. Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với đó, xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ; Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu…
Vì vậy, trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…
T.M (tổng hợp)