Đón đầu cao tốc
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ thêm tổng cộng 3.332 tỷ đồng vốn ngân sách cho 2 dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh nhằm giảm thời gian di chuyển từ các địa phương khác đến Lâm Đồng.
Hai dự án cao tốc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng kiến nghị hỗ trợ thêm vốn ngân sách là Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Địa phương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, thống nhất chủ trương để thực hiện lập, trình, thẩm định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo quy định Điều 18 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) năm 2020.
Kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tại buổi làm việc với người đứng đầu Chính phủ cho thấy, địa phương này kỳ vọng rất lớn vào hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương qua địa bàn tỉnh mà đích đến là thành phố Đà Lạt với hàng triệu lượt du khách, hàng trăm nghìn phương tiện đổ về vào những ngày cuối tuần hay lễ, Tết.
Hiện có 6 tuyến đường chính kết nối Đà Lạt với TPHCM, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên. Các tuyến đường này có nhiều khu vực hiểm trở như đèo Bảo Lộc, đèo Gia Bắc, đèo Đại Ninh, đèo Ngoạn Mục, đèo Khánh Lê, cung đường Tà Nung, vì thế nên để đến với Đà Lạt, du khách phải mất hơn 6 giờ di chuyển (từ TPHCM) hoặc hơn 10 giờ (từ các địa phương khác).
Tổng chiều dài toàn tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương vào khoảng 140km, nằm trong tổng thể dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài 200,3km, có điểm khởi đầu tại cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối nối với cao tốc Liên Khương - Prenn của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Khoảng cách này đã rút ngắn thời gian di chuyển của các phương tiện từ TPHCM đến Đà Lạt xuống còn 3 giờ, thay vì hơn 6 giờ như hiện nay.
Khoảng cách rút ngắn, thời gian di chuyển giảm còn một nửa, cho phép dự báo lượng du khách đến Đà Lạt của Lâm Đồng vào ngày cuối tuần và lễ, Tết sẽ tăng gấp đôi (hoặc nhiều hơn). Không khó để tìm kiếm hình ảnh Đà Lạt, thủ phủ du lịch của tỉnh Lâm Đồng chật kín người; phương tiện giao thông ùn ứ kéo dài hàng cây số; các khu vui chơi, khách sạn, cơ sở lưu trú quá tải vào những kỳ nghỉ như 30/4 và 1/5, Quốc khánh 2/9 hay ngày lễ, Tết.
Thông tin tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng với Thủ tướng cũng cho biết, hai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương sẽ hình thành trong tương lai gần. Câu hỏi đặt ra là, cùng với kiến nghị chính đáng lên Thủ tướng, tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị gì để đón đầu hai tuyến cao tốc tạo lợi thế rõ rệt cho địa phương này tăng tốc các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng tốc về du lịch với số lượng du khách được nhân lên gấp nhiều lần so với hiện nay?
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Để hoàn thành mục tiêu 5.000km đường cao tốc đến năm 2030. Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, tính đến ngày 25/5/2024, tổng chiều dài đường cao tốc cả nước là 2.001km.
Thi công ngày đêm, vượt nắng thắng mưa, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, đến thời điểm này trên các trục dọc ngang khắp đất nước các dự án giao thông cao tốc lớn đã rõ hình hài. Đáng chú ý, cơ chế phân cấp phân quyền cho phép UBND các tỉnh làm chủ đầu tư các dự án đi qua địa bàn tỉnh mình đã phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của các tỉnh, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án từ ngay khâu giải phóng mặt bằng.
Vì thế, với hai dự án cao tốc kết nối Lâm Đồng với nhiều địa phương, hy vọng sẽ sớm hoàn thành; đồng thời cũng sẽ là tuyến cao tốc tiêu chuẩn khi xác định rõ chủ trương xây dựng một cách đồng bộ ngay từ đầu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/don-dau-cao-toc-10288811.html