Đồn điền Bàu Cạn: Ký ức không quên

Năm 1923, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng đồn điền Bàu Cạn. Cũng từ đây, giai cấp công nhân dần hình thành.

Dưới sự lãnh đạo của những đảng viên Đảng Cộng sản, phong trào đấu tranh của công nhân đã sớm bắt được liên lạc với Việt Minh, qua đó nắm được chủ trương của Đảng và Việt Minh về tổng khởi nghĩa, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Gia Lai.

Từ ngã ba Hàm Rồng, xuôi theo quốc lộ 19 chừng chục cây số về hướng Tây Nam, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một màu xanh bát ngát của cánh đồng chè thuộc Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Đây là điểm dừng chân khám phá không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến với vùng đất này. Dẫu vậy, không phải ai cũng biết những gốc chè cổ thụ ở đây đã có tuổi đời trên dưới trăm năm bởi chúng được trồng từ những năm 20 của thế kỷ trước.

Trăm năm vùng chè

Sau khi đặt chân đến Pleiku, năm 1923, Pháp bắt đầu cho xây dựng đồn điền Bàu Cạn. Qua hơn 2 năm quy hoạch và tiến hành xây dựng cơ bản, đến năm 1925, Công ty Nông nghiệp Chè và Cà phê Kon Tum-An Nam (viết tắt là CATECKA) chính thức ra đời.

Nhân dân trong vùng gọi là đồn điền Ia Púch vì ở bên dòng Ia Púch (theo cách gọi của người Jrai) hay còn gọi là đồn điền Bàu Cạn (theo cách gọi dân gian của người Kinh ở Nam Trung Bộ) vì khu vực này có một bàu nước thường cạn vào mùa khô. Đồn điền Bàu Cạn bấy giờ được chia thành 3 phân khu mà công nhân quen gọi là “sở” gồm: Bàu Cạn, Thông Phương và Nước Đổ.

Nhà điều hành khu chế biến trà được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ảnh: Nguyễn Quang Hiền (chụp năm 2011).

Nhà điều hành khu chế biến trà được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ảnh: Nguyễn Quang Hiền (chụp năm 2011).

Ngay khi vừa thành lập, để đáp ứng yêu cầu nhân lực của một đồn điền lớn, những ông chủ người Pháp bắt đầu tuyển mộ công nhân. Tùy theo yêu cầu công việc mà việc tuyển dụng công nhân có nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, công nhân thời vụ là bộ phận người dân tộc thiểu số đi làm xâu cho chủ đồn điền mà phần lớn đến từ các vùng Đức Cơ, Thanh An, Phú Mỹ, Phú Nhơn và các làng Hà Bầu, Hà Lòng…

Số công nhân này làm việc theo đợt, hết đợt lại về với buôn làng, với công việc nương rẫy hàng ngày. Thời gian làm việc mỗi đợt thường là 1 tháng. Họ được hưởng lương công nhật hoặc theo hình thức khoán sản phẩm. Còn công nhân tuyển mộ là những người tình nguyện theo lời chiêu dụ hoặc bị cưỡng ép của giới chủ người Pháp vào làm phu cho đồn điền. Họ vốn là những nông dân nghèo bị mất đất ở các tỉnh miền Trung như: Bình Định, Quảng Ngãi…

Cùng với lực lượng nông dân còn có một số thợ thủ công, những người làm nghề tự do như thợ điện, thợ máy, tiện, cơ khí, mộc, nề… Ngoài ra, còn có cả học sinh, viên chức thất nghiệp cũng lên đồn điền tìm việc làm.

Đến năm 1940, do nhu cầu mở rộng sản xuất, chủ tư bản còn tuyển mộ thêm công nhân từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Số công nhân này phải chịu sự quản lý chặt chẽ ngay từ khi ký tên vào giấy giao kèo.

Trong giai đoạn đầu mới khai phá, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, những ông chủ người Pháp có nhiều chế độ đãi ngộ về vật chất với công nhân như: cấp áo tơi, muối, chăn, mùng, thậm chí còn mang heo, gà tới các lễ pơ thi của người bản địa. Nhưng khi bước vào giai đoạn kinh doanh thì bộ mặt thực dân mới dần bộc lộ. Chúng sử dụng các thủ đoạn bóc lột, đánh đập, cúp phạt, lợi dụng cả trẻ em (đa số là con em công nhân) để làm các công việc tạp dịch như bắt dế, cắt cỏ, dọn vệ sinh…

Năm 1893, theo quy định chung, lương cao nhất ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ được tính công nhật thường trực là 30 xu, công thời vụ là 25 xu, lương tối thiểu cho cả trẻ em, người dân tộc thiểu số, phụ nữ là 20 xu/ngày. Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 25-10-1912 thì 1 công nhân mỗi ngày được 0,7 kg gạo, 0,2 kg thịt (hoặc 0,4 kg cá), 0,3 kg rau.

Tuy nhiên, đây chỉ là con số trên giấy, còn thực tế tại đồn điền Bàu Cạn lúc bấy giờ, lương khoán công nhật hái chè hay phân loại chè, đóng thùng đều giảm từ 2 xu/kg còn 1 xu rồi đến 0,25 xu/kg, còn thời gian làm việc lại tăng dần từ 12 giờ lên 14 giờ/ngày.

Mới 4 giờ sáng, bọn cai đã đánh kẻng bắt công nhân dậy đi làm. Chúng vác roi vào từng nhà, đẩy từng người ra điểm danh rồi kéo ra các sở chè làm việc đến 6-7 giờ tối mới cho về. Chế độ cấp phát bảo hộ lao động không được thực hiện, tình trạng cúp phạt đánh đập, hãm hiếp phụ nữ diễn ra hàng ngày.

Các công nhân đến từ miền Bắc bị giấy giao kèo ràng buộc nên phải chịu cảnh cơ cực, ốm đau bệnh tật triền miên.Chủ đồn điền, cai ký dung túng khuyến khích nạn cờ bạc, rượu chè, cho vay nặng lãi, ứng trước tiền công.

Trong hồi ký của mình, ông Nguyễn Khoa-Công nhân ở đồn điền Bàu Cạn-viết: “Chúng nó phát triển nạn cờ bạc, rượu chè khu trung tâm chợ; các sòng bạc, quán nhậu nổi lên san sát, có sòng bạc đánh thâu đêm suốt sáng. Nạn trộm cắp phát triển, lúc này các tiệm cầm đồ, cho vay mọc lên, công nhân đi làm về không có thú vui nào hơn là thú vui bất hạnh đó. Sự chịu đựng gian khổ khắc nghiệt quá mức đã đến lúc công nhân phải tìm lối tự cứu mình, không có biện pháp nào hơn là biện pháp đấu tranh”.

“Cái nôi” của phong trào cách mạng

Cuộc sống nô lệ, cơ cực không lối thoát ấy đã biến Bàu Cạn sớm trở thành cái nôi của phong trào đấu tranh của công nhân. Từ năm 1930, những người cộng sản từ đồng bằng lên Bàu Cạn đã từng bước tập hợp công nhân vào các tổ chức Công hội đỏ, Hội Cứu tế đỏ, Hội Ái ữu, Hội Bóng đá

Từ các đảng viên đầu tiên như Hà Thế Hạnh (Hà Phú Hương), Trần Ren, Phan Thủy Tú, Lâm Thị Nở cho đến các đồng chí Nguyễn Khoa, Trương Trợ… đã từng bước dẫn dắt công nhân, giác ngộ họ từ những cuộc đấu tranh tự phát đòi tăng lương, giảm giờ làm đến những cuộc đấu tranh tự giác nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và từng bước hòa vào cuộc đấu tranh của cả dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chiều 22-8-1945, Ban lãnh đạo Đoàn Thanh niên Gia Lai nhận được điện của Việt Minh Bình Định với nội dung: “Bảo Đại chấp nhận thoái vị, Việt Minh giành chính quyền, yêu cầu thanh niên Gia Lai tổ chức biểu tình ủng hộ Việt Minh”.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, suốt đêm 22-8, công nhân đồn điền Bàu Cạn và nông dân vùng phụ cận nhộn nhịp chuẩn bị cờ, băng rôn, khẩu hiệu, gậy gộc, giáo mác… tập hợp thành đội ngũ để đi biểu tình vào sáng hôm sau.

Sáng 23-8-1945, đồng chí Nguyễn Khoa, Trương Trợ dẫn 700 công nhân đồn điền Bàu Cạn và hơn 300 đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng kéo về thị xã Pleiku tham gia cuộc mít tinh lớn tại sân vận động trung tâm thị xã, đại diện lực lượng quần chúng khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Cùng với cả nước, từ đây, lịch sử Gia Lai đã lật sang trang mới của kỷ nguyên độc lập dân tộc.

HUỲNH BÁ TÍNH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/don-dien-bau-can-ky-uc-khong-quen-post289945.html