'Nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn là vấn đề then chốt'

GS Phan Huy Lê từng viết văn minh Việt Nam cổ truyền là văn minh nông nghiệp, muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, trước hết cần nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn.

Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp. Văn minh Việt Nam cổ truyền là văn minh nông nghiệp. Vì thế, muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, trước hết cần nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn, trong đó chế độ sở hữu ruộng đất là vấn đề có ý nghĩa then chốt.

Xuất phát từ nhận thức đó, trong mấy thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến chế độ sở hữu ruộng đất ở Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này đã được xuất bản, nhiều luận văn khoa học đã được công bố trên các tạp chí.

 Giáo sư Sử học Phan Huy Lê. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Giáo sư Sử học Phan Huy Lê. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Bản thân tôi, từ khi bước vào con đường nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi đã thích thú những đề tài về lịch sử phát triển nông nghiệp và chế độ sở hữu ruộng đất. Cuốn sách đầu tay của tôi là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ, xuất bản 1959. Sau đó, do sự cuốn hút của một số đề tài bức thiết khác, công việc nghiên cứu chế độ ruộng đất của tôi bị gián đoạn một thời gian và gần đây, tôi đã trở lại đề tài này trên cơ sở cùng với một số đồng nghiệp nghiên cứu địa bạ.

Cho đến nay, trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử chế độ ruộng đất Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần đi sâu nghiên cứu và thảo luận, còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy, trong đó có chế độ ruộng đất gắn liền với công việc khai phá miền đất phía Nam.

Có nhiều lý do, một phần vì tư liệu, một phần vì quan niệm của người nghiên cứu. Quả thật, tư liệu chữ viết về lịch sử miền Nam nói chung và về chế độ ruộng đất nói riêng rất ít ỏi, nhất là trước khi kho tư liệu địa bạ của triều Nguyễn được khai thác. Nhưng còn phải kể thêm quan niệm né tránh các vấn đề phức tạp của lịch sử, tiêu biểu là mối quan hệ giữa lịch sử Đại Việt với lịch sử Champa và Phù Nam, Chân Lạp.

Từ quan niệm này, lịch sử Việt Nam có lúc được trình bày chỉ có dòng lịch sử Văn Lang - Âu Lạc đến Việt Nam và phần nào quá trình khai phá vào phía Nam. Và quá trình này cũng chỉ được trình bày dưới góc độ quá trình khẩn hoang lập ấp của các lớp lưu dân người Việt, còn những mối quan hệ phức tạp giữa vương triều Đại Việt với vương triều Champa, Chân Lạp thì chưa được đề cập thỏa đáng.

Rõ ràng cách nhận thức và trình bày lịch sử Việt Nam như vậy dẫn đến sự hiểu biết phiến diện về lịch sử miền Nam, gạt bỏ dòng lịch sử và văn hóa Sa Huỳnh - Champa, Óc Eo - Phù Nam ra khỏi lịch sử Việt Nam và từ đó, tạo ra một khoảng trống trong lịch sử miền Nam từ sau các nền văn hóa nguyên thủy cho đến trước khi vùng đất này được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

Đã đến lúc cần trả lại cho lịch sử Việt Nam tất cả nội dung phong phú, đa dạng của cuộc sống của cộng đồng cư dân Việt Nam gồm nhiều tộc người đã từng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, trong đó có lúc yên bình, êm đẹp, nhưng có lúc sóng gió với những mâu thuẫn và xung đột lịch sử phức tạp.

Trong suy nghĩ trên, tôi vui mừng đón nhận cuốn sách Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu.

***

Nguyễn Đình Đầu/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghien-cuu-nong-nghiep-va-nong-thon-la-van-de-then-chot-post1497421.html