Dồn điền đổi thửa thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Kế hoạch số 141 của UBND tỉnh về dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 35, ngày 22/12/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp đã tích cực thực hiện chương trình DĐĐT, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tăng cường áp dụng cơ giới hóa và xây dựng cánh đồng lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) thu hái rau canh tác trên diện tích đất được dồn đổi.
Năm 2013, xóm Hổ 2, Trường Long (xã Ngọc Lương) và xóm Ao Hay (xã Yên Trị) là 3 xóm được chọn làm điểm triển khai DĐĐT của huyện Yên Thủy. Sau 1 năm thực hiện, 3 xóm đã vận động được 179 hộ dân tham gia, tổng diện tích dồn đổi 90,59 ha. Trước đó, tổng số thửa tại 3 xóm là 1.648 thửa, bình quân mỗi hộ 9,21 thửa (cá biệt có hộ có đến 30 thửa), mỗi thửa 550 m2. Sau khi dồn đổi còn 508 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,84 thửa, mỗi thửa 1.783 m2.
Sau khi thực hiện thành công ở 3 xóm, UBND huyện đã khẩn trương hoàn thiện lại quy trình, cách thức thực hiện và kiện toàn bộ máy để triển khai nhân rộng ngay từ năm 2014. Đến nay, huyện có 44 xóm trên địa bàn 6 xã thực hiện thành công DĐĐT với 3.835 hộ tham gia; diện tích dồn đổi 1.354,38 ha. Trước khi dồn đổi có 24.842 thửa, bình quân mỗi hộ 6,5 thửa, mỗi thửa 500 m2. Sau khi dồn đổi còn 9.032 thửa (giảm 64% số thửa), bình quân mỗi hộ còn 2,4 thửa, mỗi thửa 1.500 m2 (tăng 3 lần).
Trong quá trình thực hiện DĐĐT, các địa phương kết hợp với quy hoạch, xây dựng lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Các hộ đã hiến 16,2 ha đất nông nghiệp để làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng; đào đắp 130 km đường nội đồng, 185,02 km kênh mương, lắp đặt 2.616 cống nội đồng, làm mới 2 bai dâng và 5 km kênh mương bê tông. Việc triển khai thực hiện DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, khẳng định DĐĐT là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được người dân đồng tình ủng hộ. Yên Thủy được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác DĐĐT.
Theo Sở NN&PTNT, tính đến tháng 4/2019, toàn tỉnh đã thực hiện DĐĐT được 4.657,8 ha, chiếm khoảng 5,82% diện tích đất trồng trọt cả tỉnh, chủ yếu trên diện tích đất trồng lúa; có 55/191 xã thực DĐĐT, chiếm 28,8%. Riêng với những vùng trồng cây ăn quả có múi, cây nhãn (như Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi...), công tác DĐĐT chủ yếu do nông dân tự gom đất, đổi đất cho nhau để hình thành những thửa ruộng, khu vườn có diện tích lớn hơn thuận lợi cho canh tác.
Qua triển khai cho thấy, công tác DĐĐT đã tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất bình quân/hộ đã giảm từ 50-60% (từ 7-9 thửa/hộ còn 1-3 thửa/hộ); việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa; giảm được các chi phí nhân công như công làm đất, phòng trừ sâu bệnh, công thu hoạch sản phẩm; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Công tác DĐĐT tại các địa phương đã tạo thuận lợi cho hoạt động chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ... Đến nay, toàn tỉnh có trên 788 ha được chứng nhận, trong đó, cây ăn quả có múi trên 658 ha, cây rau 70 ha, cây trồng khác trên 59 ha.
Kế hoạch của tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã thực hiện DĐĐT; đến năm 2025 có 60% số xã hoàn thành cơ bản việc DĐĐT, tương ứng khoảng 18% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; số thửa ruộng bình quân/hộ sau khi dồn đổi giảm từ 7 - 9 thửa còn 1 - 3 thửa. Dự kiến, đến năm 2020, toàn tỉnh dồn đổi được khoảng 2.300 ha; đến năm 2025 dồn đổi được trên 6.200 ha, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng lớn, mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất cho người dân trên địa bàn.