Đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Chiều 31/10, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 10 tháng của năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp đến cuối năm.
Tính đến ngày 28/10, vốn của chương trình được giải ngân đạt 46,54% (hơn 170 tỷ đồng). Trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân đạt 76,78%, vốn sự nghiệp đạt 29,10%. Tồn tại, hạn chế chung được chỉ ra là một số địa phương chưa chủ động trong công tác, còn trông chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, không chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Một số nơi chưa quyết liệt trong triển khai khi được giao vốn, chưa đưa ra các giải pháp phát huy sức mạnh cộng đồng, huy động các nguồn lực từ xã hội. Đến nay, còn một số cơ quan, đơn vị chưa giải ngân vốn chương trình, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của tỉnh.
Thời gian còn lại của năm 2024, giải pháp tập trung là quán triệt tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trong người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.
Các cơ quan, đơn vị và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh hoặc chưa giải ngân cần có kế hoạch cụ thể, đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo kế hoạch đề ra. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo, cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn; học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện dự án của chương trình.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động giảm nghèo tại địa phương. Qua đó, kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những điểm bất hợp lý về chính sách, kế hoạch và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.