Đón dòng tiền từ thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp ''bùng nổ''
Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp đã tăng trưởng khá mạnh thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2021. Trong khi đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, trong đó có dòng vốn từ hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp.
Giá trị thương vụ năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A (mua bán sáp nhập) doanh nghiệp 2021 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong hơn một thập kỷ qua, hoạt động M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Thị trường M&A sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ảnh Lê Toàn
Cũng trong thời gian đó, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD. Riêng năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD. Còn theo ước tính của Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (CMAC), tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, với khoảng 400 thương vụ, tăng trưởng mạnh so với mức 3,5 tỷ USD và 250 thương vụ của năm 2020.
"Sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm qua bất chấp bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp và những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn, và các NĐT cả trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ" – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý đón đầu thị trường M&A
Mới đây, “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025” cũng đã được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ việc cơ cấu lại không gian kinh tế, cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại các DN nhà nước… Đây cũng sẽ là một động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho kinh tế phục hồi và tăng tốc.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường M&A Việt Nam. Ảnh Đỗ Doãn
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... mà Việt Nam tích cực tham gia được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy DN Việt Nam tái cấu trúc, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại, mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A, vào Việt Nam.
Trong khi đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của DN, NĐT như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực… để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.
"Ở góc độ DN, sau hai năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều DN đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới… Dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A chắc chắn sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo…’’ – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định./.