Dọn đường đưa doanh nghiệp Việt 'đứng chân' trong chuỗi cung ứng bán dẫn
Sẽ có nhiều việc phải làm để dọn đường đưa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt 'đứng chân' trong chuỗi cung ứng thị trường vi mạch bán dẫn. Nhất là khối nội cần có tâm thế sẵn sàng thâm nhập từng bước, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện kỹ thuật sản xuất, quản trị, đầu tư nhân lực, áp dụng các tiêu chí xanh, thúc đẩy triển khai sử dụng công nghệ số.
Bàn về năng lực tham gia của khối nội vào chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn như hiện nay, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Tp.HCM (CSID), lưu ý vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này và các tập đoàn quốc tế rất quan tâm chính là kỹ thuật sản xuất của người Việt Nam.
Để đơn hàng đến là đáp ứng được
Như khẳng định của bà Oanh, hiện nay chúng ta có ưu thế về kỹ thuật sản xuất của nhân công Việt trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Điều này đã được chứng thực tại một số doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Đồng Nai đang làm và cung ứng vi mạch bán dẫn.
Các DN Việt cần hoàn thiện kỹ thuật sản xuất, triển khai sử dụng công nghệ sốđể thâm nhập từng bước vào chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, vị phó giám đốc này cho biết các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa sẽ có những cơ hội để đáp ứng tốt các nhu cầu đầu tư vào công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Điều đó đòi hỏi họ cần tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, về trình độ, cũng như đầu tư thêm về ISO, đầu tư thêm về trình độ sản xuất và đáp ứng nguồn nhân lực. Như vậy chúng ta sẽ có sự sẵn sàng hơn để Việt Nam “đứng chân” được vào trong chuỗi cung ứng thị trường vi mạch bán dẫn.
Chia sẻ tại buổi ký kết hợp tác giữa RX Tradex Việt Nam (đơn vị tổ chức “Metalex Vietnam 2024) với CSID cùng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) vào cuối tuần qua, bà Lê Nguyễn Duy Oanh nhấn mạnh các DN công nghiệp hỗ trợ ở Tp.HCM đang dành sự quan tâm lớn đến thị trường chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn. Nhất là khi Thành phố đang rất tập trung để làm sao thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ mới nổi này.
Tuy vậy, xét về năng lực cung ứng của khối nội, bà Oanh cũng thừa nhận chúng ta vẫn còn những hạn chế trong phần nguyên vật liệu để chế tạo. Trong tình hình nguyên liệu phục sản xuất vi mạch bán dẫn như hiện nay thì Việt Nam chưa có được sự chủ động trong việc chế tác vật liệu.
Còn theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc IPTC, có một vấn đề từ các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn khi vào Việt Nam là họ không mang theo hết những kỹ thuật, công nghệ mà họ có, chỉ đưa một phần thôi. Hiện nay chúng ta đang cố gắng đáp ứng những phần mà họ đưa ra, chẳng hạn như kỹ thuật sản xuất, nhân lực, tay nghề, đào tạo là đã sẵn sàng rồi. Như vậy là sẽ đáp ứng từng phần. Còn làm sao để khối nội chiếm bao nhiêu phần trăm trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn có lẽ là vấn đề khó.
“Chẳng hạn như có những phần kỹ thuật ở Intel không được phép đi ra khỏi nước Mỹ. Chính phủ Mỹ quy định rất rõ và họ sẽ đưa ra những phần nào. Và đối với các DN Việt Nam khi tham gia sẽ giới hạn ở những phần khâu nào. Về phía ITPC đang cố gắng để hỗ trợ cơ hội cho DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng này. Đơn cử như sắp tới sẽ phối hợp để đưa 40 đối tác từ Mỹ (là những DN nhỏ) trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn về tham gia liên kết cùng các DN Việt trong chuỗi cung ứng”, bà Vân nói.
Thực ra, như chia sẻ của vị phó giám đốc ITPC, những đối tác nhỏ từ Mỹ này cũng đang nằm trong chuỗi cung ứng bán dẫn của DN lớn. Với mắt xích như vậy, để tham gia chuỗi này đòi hỏi các DN Việt rất nhiều vấn đề, về kỹ thuật, quản trị, nhân sự, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất. Điều quan trọng lúc này là cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nội địa để đơn hàng đến thì chúng ta đáp ứng được, khi đó các DN Việt sẽ tham gia được vào chuỗi cung ứng.
Tâm thế sẵn sàng thâm nhập từng bước
Để hỗ trợ cho các DN công nghiệp hỗ trợ nội địa có sự sẵn sàng hơn để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn, ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc RX Tradex Việt Nam, cho biết vào trung tuần tháng 8/2024 sẽ tổ chức ở Khu Công nghệ cao Tp.HCM một hội thảo bàn về tiềm năng và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng ngành hàng không và bán dẫn dành cho các DN Việt.
Theo ông Tài, Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, cho nên việc nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi cung ứng này đang ngày càng đòi hỏi cấp bách. Nhất là khi có những nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam giúp tăng tỷ lệ nội địa và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhân bàn về việc “đứng chân” cho DN Việt trong chuỗi cung ứng bán dẫn, cũng nên nhắc lại khuyến nghị gần đây trong Sách Trắng 2024 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Đó là thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng. Các bên liên quan của Việt Nam cần thúc đẩy triển khai công nghệ kỹ thuật số để đảm bảo tính minh bạch tối đa cho hoạt động của chuỗi cung ứng.
“Các công nghệ này bao gồm hệ thống theo dõi thời gian thực để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, quy trình sản xuất và mạng lưới phân phối. Bằng cách này, DN Việt Nam sẽ được trang bị tốt hơn để xác nhận các tiêu chuẩn và tính hiệu quả của hệ thống chuỗi cung ứng, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”, trong sách trắng có nêu rõ.
Ngoài ra, để thúc đẩy quan hệ đối tác châu Âu – Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, phía EuroCham nhấn mạnh cần hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty công nghệ châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam, nâng cao năng lực của ngành công nghiệp nội địa để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Mặt khác, EuroCham cũng khuyến nghị Việt Nam các vấn đề như: Tích hợp các thông số về tính bền vững trong giám sát chuỗi cung ứng. Triển khai các cơ chế kỹ thuật số chắc chắn để bảo vệ sở hữu trí tuệ. Đầu tư vào lực lượng lao động có tay nghề cao để thực hiện các tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tựu trung, dọn đường để “đứng chân” trong chuỗi cung ứng thị trường vi mạch bán dẫn sẽ cần nhiều việc phải làm cho các DN công nghiệp hỗ trợ Việt. Nhất là cần nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật và chiến lược từ các đối tác ngoại, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường vi mạch bán dẫn quốc tế, có tâm thế sẵn sàng thâm nhập từng bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu đầy hấp dẫn này.