Đơn Dương: Hướng đến chăn nuôi bò sữa bền vững
Là địa phương dẫn đầu trong chăn nuôi bò sữa, Đơn Dương hiện nay chiếm trên 70% tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng.
5 năm - tăng trên 4.400 con bò sữa
Thống kê của ngành chức năng Đơn Dương cho biết, trong 5 năm qua, số lượng bò sữa trên địa bàn huyện đã tăng 41,5%. Cụ thể, trong năm 2015, toàn huyện có 10.612 con, sản lượng sữa bình quân 70 tấn/ngày; đến nay đàn bò sữa đã tăng lên 15.018 con, trong đó có khoảng 7.508 con đang cho sữa với sản lượng sữa bình quân 160 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi ước đạt 2 tỷ đồng/ngày.
Với tổng đàn nêu trên, số bò sữa trong dân chiếm phần lớn khoảng 10.780 con được nuôi ở 600 gia đình, trong đó khoảng 5.066 con đang cho sữa. Hai xã Tu Tra và Đạ Ròn có số lượng người dân nuôi nhiều nhất, Tu Tra có 4.654 con, Đạ Ròn có 4.650 con; các xã còn lại nuôi ít hơn gồm Lạc Xuân 490 con; Quảng Lập 401 con và thị trấn Thạnh Mỹ 190 con.
Bên cạnh các hộ dân, Đơn Dương có 2 công ty lớn đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa. Trong đó, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt - Dalatmilk thuộc Tập đoàn TH True Milk đang nuôi 1.900 con và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk nuôi 2.338 con ở 2 trang trại. Tất cả các trang trại của 2 công ty này đều được hiện đại hóa.
Riêng với số bò sữa nuôi trong dân, theo ngành chức năng, chủ yếu là giống bò sữa thuần chủng Holstein Friesian, năng suất sữa trung bình 6,5 tấn/con/chu kỳ. Trung bình mỗi năm đàn bò tăng khoảng 8-9% và thay vì trước đây trung bình mỗi gia đình nuôi từ 5-10 con thì hiện nay nuôi từ 10 con trở lên, chiếm đến 78% số hộ.
Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi tại huyện đã từng bước cơ giới hóa tất cả các khâu trong chăn nuôi, từ làm đất, trồng cỏ, vận chuyển thức ăn, nước uống, chế biến thức ăn cho bò, sử dụng máy vắt sữa, xử lý chất thải kết hợp với sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Hằng năm người dân đã làm tốt việc tiêm ngừa cho bò; vệ sinh chuồng trại khử trùng tiêu độc định kỳ. Tại huyện đến nay đã có đội ngũ thú y cơ sở có kinh nghiệm hoạt động, kịp thời hỗ trợ khi các hộ chăn nuôi cần.
Khép kín quy trình chăn nuôi
Theo Phòng Nông nghiệp Đơn Dương, hiện trên địa bàn huyện có 3 phương thức tiêu thụ số sữa tươi nguyên liệu sản xuất ra hằng ngày.
Đó là các doanh nghiệp thu mua sữa sẽ ký kết hợp đồng mua sữa tươi trực tiếp với các nông hộ mà hiện Vinamilk, Dalatmilk và Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam - VP Milk đang làm. Kế đến, các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ đứng ra làm đầu mối thu mua sữa của các thành viên và ký hợp đồng cung cấp cho các doanh nghiệp thu mua sữa theo số lượng cụ thể thông qua các trạm thu mua. Hiện Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam - Dutch Lady và Công ty Dalatmilk cũng thực hiện theo cách này. Các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo phương cách này không chỉ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả trong khâu tổ chức đầu vào như cung cấp thức ăn, vật tư, công nghệ, đảm bảo chất lượng sữa, tiết kiệm chi phí cho người nuôi mà còn tạo một mối liên kết vững chắc với người nuôi tại địa phương.
Và, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sữa theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi bò sữa, chế biến và tiêu thụ sữa. Hiện Vinamilk và Dalatmilk với các trang trại khép kín của mình hằng ngày cung cấp sữa tươi trực tiếp cho nhà máy chế biến sữa của đơn vị mình.
Việc liên kết theo chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò sữa đến thu mua, chế biến, tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn hiện nay, theo ngành chức năng huyện, đã giúp các công ty thu mua sản xuất sữa có vùng nguyên liệu ổn định và người nuôi bò sữa trên địa bàn huyện yên tâm đầu tư, phát triển mở rộng sản xuất, đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.
Với 10 trạm thu mua sữa tươi hoạt động trên địa bàn huyện thu mua sản lượng 160 tấn/ngày nên hầu hết sữa tươi trong ngày tại huyện đều được thu mua.
Bên cạnh đó, các trạm thu mua sữa còn đóng vai trò khá quan trọng trong cung cấp thức ăn cho bò, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi.
Hướng đến chăn nuôi bền vững
Theo huyện Đơn Dương đánh giá, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong chăn nuôi bò sữa tại huyện. Đó là việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa của một số gia đình còn hạn chế; việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn chưa đạt như mong muốn.
Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa trong nhiều năm nay đã phát triển vượt bậc và không ngừng khẳng định được vị thế đầy vững chắc tại Đơn Dương. Đến nay, đàn bò sữa của huyện đã chiếm trên 70% tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng và huyện chính là vùng nguyên liệu bò sữa lớn nhất tỉnh hiện nay.
Cũng theo đánh giá của ngành chức năng huyện, chăn nuôi bò sữa không chỉ góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo của địa phương lâu nay mà còn mang lại thu nhập rất ổn định cho người chăn nuôi và đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Đơn Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ địa phương trong đào tạo, tập huấn chuyển giao sử dụng phần mềm lập khẩu phần thức ăn cho bò sữa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sữa, hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết.
Chủ trương chung của huyện trong thời gian đến vẫn tiếp tục khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, phát triển thành các trang trại khi đủ điều kiện; đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao năng suất, chất lượng sữa đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua, tăng giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện phát triển.
Đồng thời tiếp tục vận động người nuôi cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong chăn nuôi, cung ứng thức ăn, máy móc thiết bị, tiêu thụ sản phẩm sữa, chế biến sữa. Huyện trong vai trò của mình khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh; đào tạo đội ngũ thú y cơ sở; phát huy và nâng cao hiệu quả các phương thức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu hiện có trên địa bàn huyện để đảm bảo đầu ra ổn định, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi bò sữa.
Huyện Đơn Dương cũng cam kết phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, tạo cơ chế hỗ trợ và có hành lang pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển chăn nuôi bò sữa tại địa phương theo hướng bền vững.