Đơn Dương không còn hộ nghèo
Vượt qua các khó khăn, tính đến cuối năm 2024, huyện nông thôn mới Đơn Dương đã không còn hộ nghèo. Đây là thành quả đáng khích lệ sau thời gian dài địa phương nỗ lực trong công tác giảm nghèo, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
• ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO
Đơn Dương là một huyện miền núi còn khó khăn, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 31% trong tổng số dân toàn huyện là 111.618 khẩu. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2024, huyện Đơn Dương không còn hộ nghèo, còn 144 hộ cận nghèo - chiếm tỷ lệ 0,59%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 99 hộ, chiếm tỷ lệ 1,29%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và khả năng cân đối nguồn lực, huyện Đơn Dương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Trần Hùng Dũng cho biết, bên cạnh những chế độ hỗ trợ công tác an sinh xã hội của tỉnh, Đơn Dương đã ban hành nhiều chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội như: 100% học sinh là con hộ nghèo đang học phổ thông được miễn, giảm một phần học phí; 100% người nghèo, người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo quy định.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đơn Dương đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo nhanh và bền vững, chủ động sáng tạo trong việc tuyên truyền, chỉ đạo, vận động người dân tham gia, chủ động bố trí ngân sách, kinh phí thực hiện giảm nghèo, điều chỉnh chính sách theo hướng tốt hơn, có lợi hơn cho người dân nghèo, cụ thể hóa chỉ tiêu, giao cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện. Do vậy, chương trình giảm nghèo trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng mừng, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm khá nhanh từ 4 - 5%/năm, đời sống của các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên về nhiều mặt.
• KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Đơn Dương đánh giá việc thực hiện chương trình giảm nghèo đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tỷ lệ giảm nghèo rất nhanh nhưng chưa bền vững, có nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo hằng năm vẫn còn. Khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, các dân tộc còn lớn, một số thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về thu nhập của người dân, giá nông sản không ổn định, cơ sở hạ tầng đường giao thông còn yếu kém.
Do đó, trong thời gian tới, huyện Đơn Dương tiếp tục quan tâm đến xã nghèo, thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước ngăn chặn sự suy giảm về kinh tế ở những vùng này như: Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của xã nghèo, thôn nghèo và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác và sử dụng tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững; đảm bảo phát triển giáo dục đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về tri thức cho các dân tộc thiểu số; kế thừa và phát huy những thành quả đạt được về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện trong những năm qua; nâng cao ý thức của các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tự lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Xóa dần tính tự ti, mặc cảm, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống thủy lợi lồng ghép với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở những địa bàn dân tộc thiểu số thuộc Chương trình 135 về Chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhằm chủ động nước tưới tiêu, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh với trình độ kĩ thuật ngày càng cao. Đẩy mạnh điện khí hóa và xây dựng hệ thống thông tin liên lạc chợ, trường học, y tế, các trung tâm văn hóa và thông tin khoa học kĩ thuật tại các xã theo quy hoạch nông thôn mới vừa phục vụ sản xuất vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Năm 2025, huyện Đơn Dương sẽ tập trung huy động nhiều nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho huyện Đơn Dương đạt được mục tiêu đề ra là xây dựng thành công huyện nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời đây cũng là niềm hy vọng, tin tưởng của người dân trong mùa xuân mới về một quê hương phát triển, hướng đến không còn hộ cận nghèo.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202501/don-duong-khong-con-ho-ngheo-d232930/