Đơn Dương tươi đẹp (Bài 2)
Sử D'ran Farm là trang trại cà phê trên núi cao 1.600 m ở thị trấn D'ran của huyện Đơn Dương. Do được hưởng nền khí hậu giao hòa của núi và biển, sản vật có sự đậm đà, độc đáo, cùng với địa hình khác biệt, không khí trong lành... tạo nên sự hấp dẫn riêng có... Mô hình trải nghiệm ở Sử D'ran Farm rất phù hợp và ý nghĩa với các tour du lịch chuyên đề tìm hiểu thiên nhiên hay môi trường sinh thái; hoặc đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn, chữa lành... phù hợp với mọi lứa tuổi.
Bài 2: Sống thật với thiên nhiên ở Sử D’ran Farm
Cái tên Đồi 1600 là do người dân tự đặt vì ở độ cao 1.600 m. Đây là một ngọn đồi thoai thải thuộc vùng rừng D'ran giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận, từ chân núi (thuộc thị trấn D’ran) lên đến đỉnh Đồi 1600 dài khoảng 5 km với 2 quãng đường. Quãng đường đầu tiên dài hơn 3 km để đến trạm dừng chân tại Sử D’ran Farm. Với độ dốc thoai thoải, cung đường vốn là đường người dân đi làm rẫy hằng ngày nên nền đất đã cứng, chắc, dễ đi...
Đặc biệt, không khí rất mát mẻ, đi qua nhiều khung cảnh thay đổi của đồi thông, rừng nguyên sinh, vườn trái cây, rẫy cà phê, vạt cỏ tranh... Nên đây không phải là quãng đường chỉ để đến đỉnh núi mà là đi thưởng thức khung cảnh thiên nhiên xinh tươi, chụp những bức ảnh view rừng vô cực, hái nấm, ăn những quả hồng chín đỏ trên cây, tìm hiểu các loại thảo dược trên đường đi...
Sử D’ran Farm là một khu nông trại nằm ở lưng chừng núi có căn nhà sàn bằng gỗ mộc được dựng lại đã bạc màu mưa nắng và một căn nhà nữa làm bếp và nhà kho, khu sinh hoạt chung... Trước sân là một khe núi hầu như suốt ngày có mây bay lượn, nên cây cầu gỗ bắc qua khe núi này gọi là cầu Mây, có thể ngồi trên nhà sàn mà phiêu du khung cảnh biến hóa huyền ảo này suốt cả ngày... Đây là nơi ông chủ farm dự định về hưu sẽ an hưởng tuổi già... thỉnh thoảng mời vài người bạn lên “non”, uống cà phê, hàn huyên, tâm sự... cùng nhau tắm suối, ăn rau rừng, ngắm mây bay...
Ông Huỳnh Văn Sử - vốn được biết đến với thương hiệu cà phê đặc sản Sử D’ran có 15 năm xuất hiện trên thị trường, là chủ Sử D’ran Farm, sẽ đón chào du khách bằng ly cà phê sạch, nguyên chất và câu chuyện có thể là bất tận về cà phê... trong tiếng nhạc du dương giúp du khách nghỉ ngơi sau hành trình leo núi... Nếu không uống được cà phê thì du khách có thể uống trà do các bạn tình nguyện viên pha chế theo phong cách trà thiền, nhưng ly cà phê bảo đảm người chưa biết uống cà phê bao giờ cũng thích vì cảm nhận ngay độ sảng khoái và thi vị từ hình ảnh đến mùi hương...
Đầu tiên, ông chủ sẽ hướng dẫn pha chế cà phê theo công thức 1:15 và 40s, tức là tỷ lệ 1g cà phê thì 15 ml nước, ủ trong vòng 40 giây là vừa độ đậm và giữ được hương vị thanh thoát nhất của cà phê, lại có màu đẹp như rượu vang... Tiếp theo, du khách được hướng dẫn nhấp một ngụm cà phê xong chẹp chẹp cái miệng để cảm nhận chút dư vị ngọt lạ của cà phê; uống xong thì dùng chính cái ly ấy chế thêm một ngụm nước, uống để thấy cái vị ngọt hơn của nước do... cà phê tạo nên.
Ở độ cao 1.600 m trên núi D’ran, rẫy cà phê của ông Sử nằm dưới tán rừng nguyên sinh xanh mướt và tươi mát. Ông Sử dùng độc nhất nước nguồn và điện năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và chế biến cà phê… Cỏ và chuối được trồng xen với cà phê chỉ để tạo sinh khối, tăng thêm chất màu cho đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây… Nên có thể ví von rằng cà phê Sử D’ran không vướng chút “bụi trần” nào.
Ông Sử đặt slogan cho Sử D’ran Farm là “Khu vườn kết nối thiên nhiên”, cũng không mắc wifi hay dịch vụ di động, vì muốn ai lên farm đều là để sống thật với tự nhiên, buông bỏ mọi sự, thư giãn thật sự, tái tạo năng lượng và tư duy cho những sự vụ mới... trong khung cảnh đất trời giao hòa, thật thơ mộng...
Sau khi thăm thú cảnh núi rừng quanh farm, checkin với cây cầu Mây, dạo quanh vườn hái nắm rau dại, du khách sẽ được hỗ trợ tự làm bánh pizza có thể gia giảm thêm chuối trong vườn hoặc rau vừa hái, nướng trong lò củi đã được chuẩn bị sẵn trong vòng 1,5 phút, rồi thưởng thức sản phẩm bánh pizza độc nhất vô nhị, hấp dẫn vô cùng... do chính mình vừa tạo nên.
Thời gian trên farm sẽ không có chỗ cho sự nhàm chán, bởi bạn sẽ vẽ tranh, chụp ảnh, ngắm mây bay, nhìn mưa rơi, hoặc trời đẹp thì lên núi đón hoàng hôn, hay vào rừng tìm kiếm những loài thực vật quý, như: thông đỏ, xá xị, trà hoa vàng...; hoặc theo chân bác nông phu tham gia vào quy trình sản xuất cà phê, nghe hướng dẫn từ việc chăm sóc, thu hái, chế biến, rang xay, pha chế... để thấy công dụng thức tỉnh của cà phê là cả một quá trình hút nước, ngậm sương, vi vu cùng nắng gió và được ấp ủ bởi tâm huyết của người nông phu...
Buổi tối không bị phân tán bởi chiếc điện thoại, mọi người cùng ngồi quây quần bên nhau trải nghiệm bữa tiệc nướng rừng núi, hát mộc với cây đàn ghita... Đêm sẽ dần trôi trong sự kết nối, chìm vào giấc ngủ êm đềm, tỉnh giấc là bình minh ngập tràn một khung cảnh thần tiên với sương và tia nắng, lấp lánh gọi mời cùng tiếng chim rừng líu lo… Nếu không định ngủ nướng thì chủ nhà sẽ gọi dậy đưa lên đỉnh núi đứng ở cột định vị 1600 để bạn có thêm những khung hình với bình minh lung linh, độc đáo.
Đứng trên đỉnh Đồi 1600 không phải để nhìn phố xá hay làng mạc mà là thả hồn vào không gian trùng điệp của núi non, vượt qua khu rừng nguyên sinh để đón những làn sương sớm vây quanh mình, để ngắm ánh bình minh hắt lên nền trời rồi từ từ lan rộng, để thấy mặt trời nhô lên trên đỉnh núi sáng bừng chiếu qua màn sương đang len lỏi qua những rừng thông tạo nên những tia sáng cực đẹp (ray sáng)... Nhìn chếch qua hướng Bắc là toàn bộ vùng Cầu Đất, một phần hồ Đa Nhim và thị trấn D’ran ẩn hiện trong sương mây...
Trước khi xuống núi, du khách sẽ nạp năng lượng bằng ly cà phê mới với bánh mì tự nướng hoặc vài món nước tự làm, hay ly sữa đậu nành bà chủ farm chuẩn bị đậu ngâm xay từ hồi đêm... Để rồi, chia tay với cảm giác một ngày thì ít quá! Để tự hỏi: Bình minh trên đỉnh Đồi 1600 hay bình minh ở cầu Mây đẹp hơn, hoàng hôn hôm nay sẽ thế nào, quãng đồi hôm qua chưa kịp checkin, còn mấy câu tính hỏi ông chủ để kể tiếp câu chuyện cà phê...
Để rồi tâm trạng quyến luyến ấy theo mãi về nhà! Để rồi, những lúc quay quắt với công việc lại ước ao đang ở trên đỉnh núi, không có tiếng chuông điện thoại nào hối gọi, lại ủ mưu tìm dịp nào lên Đồi 1600… Để rồi, lại tự hỏi sao chưa chạy ra đầu đèo Ngoạn Mục, sao chưa kịp qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim, sao chưa đến viếng Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên Tự, sao chưa khám phá di tích tuyến đường sắt leo núi huyền thoại…
Để rồi khẳng định ĐƠN DƯƠNG THẬT TƯƠI ĐẸP!
(CÒN NỮA)
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202411/don-duong-tuoi-dep-bai-2-3b52ab4/