Đòn gánh cong vai phố

Dấu ấn sâu đậm với tôi về phố Lý Quốc Sư (phường Hàng Trống - Hoàn Kiếm - Hà Nội) chính là hình ảnh cố nghệ sĩ Trần Vân (Nhà hát Kịch Hà Nội) một thuở. Tôi với anh thường ngồi rượu vỉa hè cuối phố vào cái đận sôi động nhất năm 1985 khi nhà nước đổi tiền.

Có lần gặp một thiếu nữ gánh hàng cốm đi qua, anh đột nhiên đọc thơ: “Em rẽ lối phố chùa/ Minh Không chùm hoa nắng/ Nụ cười em tỏa rạng/ Hương cốm thơm đường tơ”. Bởi phía đó chính là ngôi nhà anh trong ngõ nhỏ đối diện chùa Lý Quốc Sư.

Phố mang tên chùa - Gió dịu dàng thôn xưa

Đây là phố có lịch sử hình thành cả ngàn năm theo di tích ngôi đền của thôn Tiên Thi, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (năm 1131-Nhà Lý). Xưa, đây là ngôi nhà mà thiền sư Nguyễn Minh Không (1065-1141) trú ngụ mỗi khi về kinh chữa bệnh cho vua. Ngài được coi là thần y có công chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông và được trọng thưởng phong là Quốc Sư và đổi sang họ Lý (Lý Quốc Sư). Ngôi nhà ngài ở đã được lập đền thờ sau khi mất. Vị trí ngôi đền vẫn ở chỗ cũ cho đến nay tại 50 phố Lý Quốc Sư. Sau này chùa Lý Quốc Sư cũng được hình thành bên cạnh ngôi đền cổ cùng tên. Đây là di tích quốc gia thờ Phật cùng ba vị thiền sư Lý Quốc Sư, Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải.

Góc phố Lý Quốc Sư.

Góc phố Lý Quốc Sư.

Phố tuy chỉ rộng chừng 6m nhưng lại là nơi nằm trong khu vực hành chính phủ huyện cổ. Bởi thế phố đã giao cắt với sáu con đường như Ngõ Huyện, Chân Cầm, Ấu Triệu, Nhà Thờ, Nhà Chung và phố Hàng Bông. Rải rác trên phố ngoài đền và chùa Lý Quốc Sư còn có đền Phạm Ngũ Lão (số nhà 25) và cuối phố còn có chùa Báo Thiên (nay chính là vị trí Nhà thờ Lớn). Các cụ xưa kể lại một thuở nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã mở quán nước bên Ngõ Huyện. Đồng thời quán cũng là nơi các nho sĩ cùng quan văn lui tới đàm đạo và thử tài cao thấp về chữ nghĩa.

Minh Mạng năm thứ 14 (1833) trụ sở của tri huyện Thọ Xương được dọn tới khu vực này (di chứng còn lại là phố Phủ Doãn). Mãi tới năm 1888, khi nhà Nguyễn nhượng địa cho thực dân Pháp huyện mới bị giải thể. Hình ảnh thiếu nữ gánh hàng cốm vào phố mà cố nghệ sĩ Trần Vân đọc thơ đã là dĩ vãng nhưng vẫn còn phảng phất đâu đây: “Dóng dả chuông nhà thờ/ Theo dấu son gót nhỏ/ Đòn gánh cong vai phố/ Lá sen xanh gọi mùa/ Lời rao gọi tuổi thơ/ Hòa lời kinh, tiếng mõ/ Cây đa xòe búp đỏ/ Gió dịu dàng thôn xưa”.

Lý Quốc Sư còn được mệnh danh là phố “Hàng Văn” sóng đôi cùng phố Hàng Trống. Tôi có dịp gặp ông Nguyễn Việt Hùng ở số nhà 3 Lý Quốc Sư, một người đã sinh trưởng và lớn lên 60 năm trên con phố này. Ông nhớ bố mình kể lại rằng số nhà 24-26 chính là ngôi trường Trung Bắc được nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh thành lập vào năm 1920. Nhưng ông Vĩnh bị chính quyền Pháp o ép phá sản nên phải bán lại cho nhà in Ngô Tử Hạ. Ông chủ nhà in Ngô Tử Hạ có rất nhiều hoạt động hữu ích cho xã hội vào thời gian kháng chiến. Đây là nhà in đã ủng hộ hàng tạ chì để in ấn những truyền đơn của Việt Minh. Chẳng những thế nơi đây còn in những đồng bạc đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945). Sau này ông còn hiến tặng chính quyền mới hàng ngàn mét đất ở các phố Lý Quốc Sư, Ngõ Huyện, Hàng Bông…

Sau cách mạng thành công, ông Ngô Tử Hạ là đại biểu lớn tuổi nhất của Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta. Ông còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử tham gia đoàn thương thuyết với Vua Bảo Đại làm lễ thoái vị. Nhà in của ông Ngô Tử Hạ hoạt động sôi nổi và tồn tại cho tới năm 1955 thì vào hợp doanh trở thành Công ty in Thống Nhất. Ông Nguyễn Việt Hùng còn kể chính nhà in này đã hợp tác cùng nhà sách Tân Việt (ở số nhà 29) xuất bản khá nhiều sách văn thơ vào thời kỳ tiền chiến. Đặc biệt, cùng với những tác phẩm văn học Trung Quốc, nhà sách Tân Việt còn có đặc san in các tác phẩm của Nguyễn Tuân, Trương Tửu, Đinh Hùng… và cả sách triết học của Nguyễn Đình Thi.

Mai sau dù có bao giờ

Nói đến ví von phố Lý Quốc Sư là phố “Hàng Văn” cũng có cái lý khi trên phố còn có những địa chỉ văn hóa khác độc đáo và sôi nổi ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc sống hiện đại. Trước hết phải nói tới ngôi nhà số 43 nơi mà cố thi sĩ Hoàng Cầm (1922-2010) đã sống và đã mất tại đây. Chính tại ngôi nhà sâu trong ngõ thân thương này ông đã khởi thảo những thi phẩm thơ tình như “Lá diêu bông”, “Gọi đôi”, “Cây tam cúc”, “Cất cánh thời gian”, “Mê không em”…

Có thể coi phố Lý Quốc Sư đánh dấu mốc cho sự nghiệp thi ca của Hoàng Cầm sau thuở “Kiều Loan” (kịch thơ-1942) và thi phẩm “Bên kia sông Đuống” (Việt Bắc tháng 4/1948). Đây là nơi thi sĩ ở từ năm 1955 cho tới khi mất (2010). Ký ức của “Lá diêu bông” như đang lang thang đâu đây. Đó là vào một đêm mất ngủ thao thức tới canh ba ông bất ngờ thấy có tiếng ai đó đọc mấy câu thơ vẳng lên trong tâm thức nửa mơ nửa tỉnh rằng: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…”. Thế thôi và nhà thơ viễn du trong giấc mộng thi ca. Ông ngồi cầm bút thẫn thờ với mối tình câm của tuổi 13 một thuở với “Chị em xanh”. Những câu thơ thiên mệnh thần bí tuôn chảy bồi hồi từ mầm hạnh phúc viển vông: “Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều/ Cuống rạ/ Chị bảo/ Đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng…”.

Đền chùa Lý Quốc Sư.

Đền chùa Lý Quốc Sư.

Lại nhớ có lần cùng người bạn uống rượu đậu rán tại số nhà 43 do nhà thơ Hoàng Cầm bán. Khi đã ngà ngà lên hương men rượu làng Vân, ông bạn tôi đòi Hoàng Cầm đọc thơ. Bởi ai cũng nghe nói giọng ngâm thơ của Hoàng Cầm như mật ngọt và hấp dẫn. Để chiều lòng khách Hoàng Cầm nổi cơn hứng vì thấy ông bạn tôi cứ lim dim mắt đợi chờ. Quả nhiên âm sắc ấm áp và dịu dàng đã trình bày những câu thơ đẫm lệ. Đó là những vần thơ trong bài “Xa…” (7/1985) với phụ đề “Khóc LHY”.

Đây là chữ viết tắt tên vợ thứ ba của ông, người đẹp Lê Hoàng Yến. Bà sống với chồng được ba mươi năm thì rời cõi tạm (1955-1985). Có thể nói người đẹp Hoàng Yến là vị cứu tinh đời sống thơ Hoàng Cầm sau khi ông bị dính vào vụ Nhân văn Giai phẩm một thời (1956). Những tập thơ “Tiếng hát quan họ” (1956), “Về Kinh Bắc” (Xuất bản 1959, tái bản 1994) và “Bên kia sông Đuống” (1970, tái bản 1993) là kết quả “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” Trịnh Công Sơn của cuộc tình hạnh phúc thứ ba này.

Những năm tháng bĩ cực nhà thơ tưởng như trao thân gửi xác cho cô đơn. Nhưng vợ ông đã cứu rỗi cuộc đời chồng bằng tấm lòng yêu thương bao dung và trở thành điểm tựa cho nguồn cảm xúc thi ca Hoàng Cầm bùng cháy. Ông viết hàng trăm bài thơ tình xuất sắc trong suốt ba mươi năm đầy khắc khoải ấy và đến ngày ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật năm 2007 (cho hai tập thơ “Bên kia sông Đuống”, in năm 1970 và “Lá diêu bông”- in năm 1993).

Về với ta - 39A

Khái niệm về phố “Hàng Văn” dành cho Lý Quốc Sư vẫn còn đầy ắp trong tôi. Dường như hơn 20 năm qua, làng hội họa và văn chương không ai không nhớ đến Gallery 39A Lý Quốc Sư của họa sĩ tài hoa Lê Thiết Cương. Đây là một địa chỉ văn hóa sớm có tiếng vang ở trong nước và quốc tế. Diện tích Gallery 39A không rộng nhưng lại ở vị trí đắc địa, đối diện với Nhà thờ Lớn và đền chùa Lý Quốc Sư. Tại đây họa sĩ Lê Thiết Cương đã tổ chức hàng chục triển lãm hội họa cho bạn bè và cũng là nơi trưng bày nghệ thuật. Anh được coi là một nghệ sĩ với nghệ thuật tối giản nhưng lại tràn ngập cảm xúc trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Họa sĩ Lê Thiết Cương có sức thu hút nhiều văn nhân, nghệ sĩ tới ngôi nhà nghệ thuật của anh. Hầu hết những người nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội đều tới đây đàm đạo và tranh luận với anh về văn chương, hội họa. Anh đã từng được nhà thơ Hoàng Cầm chép tặng bài thơ “Về với ta” khi còn trẻ. Hơn nữa gần đây anh còn có dự án vẽ hàng chục bức tranh mực nho trên giấy dó phết điệp Đông Hồ từ cảm hứng thơ Hoàng Cầm. Tôi chậm rãi đi trên phố trong ánh nắng mơ màng và hình dung họa sĩ đang phác thảo đường nét theo câu thơ “Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ/ Vừa rụng chiều nay dềnh mặt nước hương sen”. Thật thi vị làm sao.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/don-ganh-cong-vai-pho-i694079/