Đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Đây là một trong những nội dung nêu trong Công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 11.12 vừa qua.
Trong Công điện nêu rõ: Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Trong đó, chú trọng việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, thủ tục hành chính nội bộ, phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại 5 địa phương.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc đánh giá tác động quy định thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức. Công tác tham vấn đối tượng chịu tác động chưa phát huy hiệu quả. Một số quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các công việc.
Theo đó, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu tại văn bản số 6866/VPCP-KSTT ngày 26.9.2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật và văn bản số 7575/VPCP-KSTT ngày 16.10.2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản dưới luật.
Các bộ, ngành, địa phương công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành việc nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong năm 2025.
Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính sau khi được ban hành; kịp thời lắng nghe, phát hiện để sửa đổi, bổ sung những quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này...