Đơn giản việc cưới, việc tang để phòng, chống dịch COVID-19

Nhận thức được cơ chế lây lan, mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 khi tụ tập đông người, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo về biện pháp phòng chống lây nhiễm trong việc cưới, việc tang... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Nhận thức được cơ chế lây lan, mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 khi tụ tập đông người, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo về biện pháp phòng chống lây nhiễm trong việc cưới, việc tang, qua đó góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ văn hóa xã Giao Yến (Giao Thủy) tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cho nhân dân để phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, hướng dẫn các gia đình trong tình thế bất khả kháng tổ chức việc cưới, việc tang phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, đối với những gia đình có kế hoạch tổ chức lễ cưới, nhiều địa phương vận động các gia đình cân nhắc, lùi thời gian tổ chức tiệc cưới vào thời điểm phù hợp an toàn hơn. Gia đình ông P.V.H ở thành phố Nam Định từ đầu tháng 11 âm lịch năm 2019 đã đặt vấn đề với nhà gái ấn định ngày cưới cho con trai vào dịp đầu tháng 3 âm lịch (năm 2020). Qua Tết Nguyên đán Canh Tý, đôi bạn trẻ sắp xếp chụp xong ảnh cưới, đôi bên gia đình đã lên danh sách khách mời, kế hoạch tiệc cưới. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, gia đình ông .H đã quyết định hoãn đám cưới con đến thời điểm cả nước công bố hết dịch. Vào ngày cưới đã định, cô dâu, chú rể lên phường đăng ký kết hôn, gia đình làm mâm cỗ cúng cáo tiên, tổ chứng giám cho ngày vui của con cháu. Ông .H cho biết: “Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch COVID-19, thực hiện quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để phòng, chống dịch COVID-19, gia đình đã cân nhắc, bàn bạc với nhà gái lùi thời gian tổ chức tiệc cưới vào thời điểm phù hợp. Việc này nhận được sự ủng hộ của gia đình 2 bên, người thân, bạn bè, sự nhất trí của con trai và con dâu…”. Không hoãn đám cưới như trường hợp gia đình ông .H, nhưng đám cưới của đôi bạn trẻ B.N.A và N.V.K ở Giao Thiện (Giao Thủy) tổ chức cuối tháng 2 (âm lịch) thu gọn quy mô tổ chức, tiếp khách bằng tiệc trà, hạn chế mời khách đang sinh sống và làm việc ở địa phương khác. Cả cô dâu và chú rể cùng quê, làm chung Công ty trên thành phố Nam Định. Để động viên cô dâu, chú rể, trong ngày cưới Công đoàn Công ty cử đại diện đến tặng quà chúc mừng. Cổng hoa đón khách của nhà cô dâu, chú rể đều bố trí bàn có nước rửa tay sát khuẩn và có người nhắc nhở khách mời đến dự đeo khẩu trang. Cô dâu B.N.A cho biết: “Đám cưới là chuyện đại sự của cả đời người nhưng để phòng, chống dịch nên vợ chồng em quyết định tổ chức tiệc cưới đơn giản tại nhà. Vợ chồng em đều chung quan điểm là để cho hạnh phúc trọn vẹn, lâu dài thì tiêu chí an toàn, sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu bởi có sức khỏe thì cuộc sống mới hạnh phúc, bình an”.

Đám cưới còn có thể hoãn nhưng đám hiếu thì không thể. Tâm lý nghĩa tử là nghĩa tận nên ai cũng muốn bày tỏ tình cảm chia buồn với tang quyến. Tuy nhiên, thời gian qua tại những đám hiếu việc tổ chức tang lễ đều đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, số người có mặt, trực tập trung giảm nhiều; thời gian tổ chức lễ tang được rút ngắn. Trường hợp một cụ ông ở ngõ 97 đường Trường Chinh, phường Bà Triệu (thành phố Nam Định) mất vào đầu tháng 4-2020 đúng thời điểm cả nước đang thực hiện việc cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện phường và tổ dân phố khi đến viếng chia sẻ mất mát với gia đình, đồng thời nhắc nhở những biện pháp phòng dịch. Vì điều kiện nhà trong ngõ, các hộ dân sống liền kề nhau nên việc phòng, chống dịch được gia đình tang quyến thực hiện đầy đủ. Ngay ở bàn đăng ký lễ viếng gia đình trang bị nước rửa tay diệt khuẩn. Người phục vụ trong lễ tang và người đến viếng đều đeo khẩu trang. Các tổ chức, đoàn thể, bà con khu phố chỉ cử đại diện lần lượt vào viếng tránh việc tập trung đông người trong không gian hẹp. Mọi hoạt động diễn ra khẩn trương, ai viếng xong đều tranh thủ chia buồn với tang quyến rồi ra về ngay. Tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) ở các phòng tang lễ không còn cảnh tụ tập đông người. Khách đi tới cổng Nhà tang lễ cũng như vào trong khu vực tổ chức khâm liệm, lễ tang đều được nhắc nhở đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn. Xung quanh khu vực nhà tang lễ, các lọ nước rửa tay sát khuẩn được bố trí ở nhiều khu vực thuận tiện cho mọi người sử dụng. Nhiều hàng ghế được kê ở sân dành cho người đến chia buồn, thăm viếng đảm bảo khoảng cách để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch. Trong đợt này, Công ty Cổ phần Dịch vụ tang lễ Hoàng Long đã chuẩn bị hàng trăm bộ quần áo bảo hộ y tế để phát cho nhân viên sử dụng phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Sau mỗi đám tang phòng tang lễ đều dừng hoạt động ít phút để làm vệ sinh, khử khuẩn. Đối với những người đến làm thủ tục ký hợp đồng tổ chức tang lễ, trước khi vào đều được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, cả nhân viên và đại diện tang chủ khi làm việc đều phải đeo khẩu trang.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 3-4-2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 1358 gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố chỉ đạo hướng dẫn việc nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg… trong đó đối với việc cưới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương vận động, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân cân nhắc lùi thời gian tổ chức việc cưới vào thời điểm phù hợp khi đã công bố hết dịch. Đối với việc tang, vận động không làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ và những ngày tuần tiết; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Thực hiện nghi lễ tảo mộ trong tiết Thanh minh theo yêu cầu không tập trung đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa những người đi tảo mộ. Vận động các gia đình, dòng họ không tổ chức liên hoan, gặp mặt và các hình thức tập trung đông người khác trong thời gian có dịch.

Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang góp phần chống dịch bệnh COVID-19 đã được các gia đình, địa phương thống nhất nhận thức và thực hiện, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng. Mỗi người dân, mỗi gia đình cần tiếp tục nêu cao ý thức tự giác là những “chiến sĩ” trên mặt trận chống COVID-19, chung sức ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch./.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202004/don-gian-viec-cuoi-viec-tang-de-phong-chong-dich-covid-19-2536961/